Tân Yên (Bắc Giang): Xây dựng 6 chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ nông sản
Theo đó, huyện xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của huyện gồm: Ngô ngọt tại xã Ngọc Thiện (60 ha); khoai tây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Hóa (20 ha); sâm nam núi Dành tại xã Việt Lập (1,2 ha); rau, quả chế biến xuất khẩu tại xã Ngọc Thiện (10,6 ha); trồng hoa công nghệ cao tại xã Phúc Sơn (0,4 ha) và măng Lục Trúc tại xã Lan Giới (4 ha).
![]() |
Cán bộ khuyến nông xã Ngọc Thiện kiểm tra quá trình phát triển cây ngô ngọt tại hộ dân tham gia chuỗi liên kết. |
Trong các chuỗi liên kết, huyện giao cho các hợp tác xã đứng ra tập hợp nông dân để mở rộng diện tích, đồng thời chịu trách nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm.
Để chuỗi liên kết phát huy hiệu quả, UBND huyện trích hơn 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa năm 2020 hỗ trợ 50% giống, phân bón, một phần thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân; đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng quản lý cho Giám đốc các hợp tác xã, năng lực sản xuất cho các hộ dân tham gia. Quá trình sản xuất, tiêu thụ, cán bộ chuyên môn của huyện thường xuyên bám sát, kịp thời hỗ trợ, tư vấn và tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã.
Bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết: "Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi đã hình thành từ nhiều năm song đây là năm đầu tiên địa phương đứng ra xây dựng, hỗ trợ các chuỗi liên kết. Đây là "cú hích" giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác để tạo ra các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm".
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)