Sáp nhập trường học: Nâng trách nhiệm của hiệu trưởng
Sau khi có hướng dẫn của tỉnh Bắc Giang, cuối tháng 7-2018, Phòng Nội vụ huyện rà soát thực tiễn, tham mưu cho UBND huyện kế hoạch và tổ chức sáp nhập trường học. Huyện đề ra lộ trình sáp nhập 18 trường học ở 9 xã, thị trấn trước ngày 30-8-2018 và 8 trường của 4 xã cùng thời điểm này năm 2019. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền nên kế hoạch sáp nhập các trường học nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và các thầy giáo, cô giáo, nhất là lãnh đạo các trường.
![]() |
Sau sáp nhập, Trường Mầm non thị trấn Đồi Ngô ổn định tổ chức, hoạt động nền nếp. Ảnh: Giờ tìm hiểu tự nhiên của các cháu lớp 5 tuổi. |
Theo ông Vũ Trí Hoành, Trưởng phòng Nội vụ, xác định việc sáp nhập trường học sẽ tinh gọn được đầu mối, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý trường học, từ đó góp phần nâng chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Vì vậy, Phòng rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên; đồng thời phổ biến các quy định về sắp xếp nhân sự, sáp nhập trường học và kịp thời giải đáp băn khoăn của lãnh đạo các trường xoay quanh nội dung này. Qua đó, nhiều đồng chí hiệu trưởng đã tự nguyện xin tạm nghỉ giữ chức vụ và làm phó hiệu trưởng nhưng được hưởng các chế độ, quy định như: Bảo lưu phụ cấp, được xem xét điều động, bổ nhiệm ở các trường khuyết chức vụ này nếu đánh giá lại và đủ tiêu chuẩn, không phải tuyển chọn. Ở các trường có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định sẽ từng bước điều chuyển, sắp xếp lại. Đến 30-8, 18 trường học chính thức sáp nhập còn 9 đơn vị. Số lượng hiệu trưởng giảm 7 đồng chí (2 trường hợp nghỉ theo chế độ), cấp phó giảm 6. Ngay khi sắp xếp lại đầu mối và tinh giản cán bộ quản lý, các trường học này bước vào năm học mới bảo đảm ổn định, không có sự xáo trộn ảnh hưởng đến dạy và học.
Các đơn vị sáp nhập gồm: Trường Mầm non (MN) Bắc Lũng số 1 và MN Bắc Lũng số 2 thành Trường MN Bắc Lũng; Trường MN Hoa Hồng và MN Hoa Sen thành Trường MN thị trấn Đồi Ngô; Trường MN Đông Hưng số 1 và MN Đông Hưng số 2 thành Trường MN Đông Hưng; Trường Tiểu học (TH) Chu Điện số 1 và TH Chu Điện số 2 thành Trường TH Chu Điện; Trường TH Tam Dị số 1 và TH Tam Dị số 2 thành Trường TH Tam Dị; Trường TH Đông Phú số 1 và TH Đông Phú số 2 thành Trường TH Đông Phú; Trường TH Đông Hưng số 1 và TH Đông Hưng số 2 thành Trường TH Đông Hưng; Trường TH Nghĩa Phương số 1 và TH Nghĩa Phương số 3 thành Trường TH Nghĩa Phương số 1; Trường THCS Tam Dị số 2 và TH Tam Dị số 3 thành Trường TH và THCS Tam Dị. |
Trước đây ở thị trấn Đồi Ngô có Trường Mầm non (MN) Hoa Hồng và Trường MN Hoa Sen. Sau khi sáp nhập thành Trường MN thị trấn Đồi Ngô, đơn vị này có 1 hiệu trưởng, 5 phó hiệu trưởng, hơn 700 trẻ theo học ở 2 khu. Theo cô giáo Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, ngay sau khi có quyết định sáp nhập, đơn vị đã phân công, phân nhiệm bảo đảm nâng cao trách nhiệm từng hiệu phó, phát huy được năng lực của từng đồng chí. Mặc dù công việc của hiệu trưởng vất vả hơn, trách nhiệm cao hơn bởi số lượng giáo viên, trẻ em, lớp học nhiều hơn nhưng đội ngũ lãnh đạo nhà trường vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu xây dựng trường chuẩn mức độ 2.
Ngay sau khi sáp nhập, giảm đầu mối, các trường học trên địa bàn huyện sớm ổn định bộ máy tổ chức, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo và giáo viên bảo đảm sự ổn định, yên tâm công tác. Đáng quan tâm là số lượng trường học giảm, việc quản lý, chỉ đạo từ phòng chuyên môn về GD&ĐT cũng thuận lợi. Đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện cho biết, việc sáp nhập các trường học vừa qua cơ bản thuận lợi, đầu mối giảm nên công tác chỉ đạo từ phòng cũng gọn hơn. Tuy nhiên không vì thế mà coi nhẹ công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giáo dục bởi lẽ số học sinh không thay đổi, số lớp học biến động không nhiều trong khi yêu cầu đổi mới GD&ĐT đang là yêu cầu cấp bách từ thực tiễn. “Sau sáp nhập, có khu, điểm trường cách nhau 5-6 km, hiệu trưởng phải thường xuyên có mặt tại các nơi này để chỉ đạo, kiểm tra. Vì vậy, lãnh đạo nhà trường vất vả hơn, trách nhiệm cao hơn”, đại diện lãnh đạo đơn vị này chia sẻ.
Theo kế hoạch, năm 2019 và những năm tiếp theo, Lục Nam tiếp tục sáp nhập một số trường học. Kinh nghiệm từ đợt sắp xếp vừa qua cho thấy, trong quá trình rà soát phải tiến hành chặt chẽ từng khâu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhất là lãnh đạo các trường trong diện sáp nhập; huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân ở địa bàn có trường học sáp nhập. Việc sáp nhập cần thận trọng đối với những đơn vị có địa bàn rộng hoặc dự báo lượng học sinh tăng nhanh để tránh quá tải.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)