Sản phẩm OCOP năm 2021: Chuyển biến về chất lượng, mẫu mã
Thay đổi tư duy sản xuất
Theo chuyện kể lại, trước đây tại xã Liên Chung (Tân Yên) có gần chục cánh thợ mộc, chuyên đi các nơi dựng nhà cho người dân. Khi đó các cánh thợ luôn được gia chủ coi trọng, thường thịt lợn rồi đưa vào chum muối để ăn dần. Quá trình sơ chế, các cánh thợ thêm gia vị rồi dần tạo nên món nem nướng nổi tiếng. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, nem nướng chỉ được người dân trong xã làm trong dịp Tết cổ truyền.
![]() |
Người dân xã Liên Chung (Tân Yên) sản xuất nem nướng. |
Cách đây gần chục năm, ông Nguyễn Thế Hạt (SN 1968) ở thôn Hậu, xã Liên Chung mạnh dạn làm nem rồi mang đi tiếp thị tại một số quán ăn ở thị trấn Cao Thượng và TP Bắc Giang. Lạ miệng, khách khen ngon, các đơn hàng ngày một nhiều, ông Hạt vận động người dân trong thôn cùng làm, vừa để giữ gìn, quảng bá sản phẩm quê hương, vừa tăng thu nhập. Thị trường ngày càng ưa chuộng, tháng 7 năm ngoái, ông Hạt cùng 16 hộ trong xã liên kết, thành lập Hợp tác xã (HTX) nem nướng Liên Chung, sau đó đăng ký tham gia OCOP.
"Để nâng chất lượng sản phẩm, chúng tôi phân công một nhóm hộ chuyên chăn nuôi lợn, nhóm khác phụ trách việc giết mổ, cung cấp thịt tươi, an toàn để tôi cùng 4 hộ khác làm nem. Nhờ thực hiện theo quy trình khép kín, sản phẩm nem nướng Liên Chung đã có mặt tại nhiều tỉnh, TP, thậm chí còn “xuất ngoại”, ông Hạt chia sẻ.
Theo Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện các tiêu chí của các chủ thể có sản phẩm tham gia phân hạng OCOP đợt 1 năm nay song đến nay Tổ giúp việc của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tiếp nhận 26 hồ sơ do các huyện, TP gửi lên, trong đó có nem nướng Liên Chung. Qua đánh giá, các hồ sơ đều bảo đảm theo quy định, nhiều sản phẩm có chuyển biến về chất lượng, mẫu mã có thể đạt 4 sao. Đặc biệt, quá trình chuẩn bị, các chủ thể có nhiều đổi mới trong tư duy cũng như thực tế sản xuất.
Ví như sản phẩm Bưởi Trường Thịnh của HTX cây ăn quả xã Quang Thịnh (Lạng Giang). Từ khi đăng ký tham gia OCOP, HTX quan tâm lựa chọn giống tốt, sạch bệnh; tăng cường sử dụng chất hữu cơ thay cho sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng đó, xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm bằng việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với 4 đại lý ở trong và ngoài huyện.
Tương tự, sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô đóng lọ của Công ty TNHH dược thảo Trường Thọ, xã Đông Hưng (Lục Nam) cũng được Tổ tư vấn đánh giá cao bởi chất lượng cũng như giá trị sản phẩm mang lại. Ông Ong Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Trường Thọ cho biết: “Cách đây 3 năm, chúng tôi đã có ý tưởng đưa sản phẩm Đông trùng hạ thảo khô đóng lọ tham gia OCOP song nhận thấy mẫu mã sản phẩm, logo thương hiệu chưa bắt mắt nên lùi lại. Thay đổi tư duy, cùng với làm mới bao bì, nhãn mác, Công ty đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sấy thăng hoa thay thế cho công nghệ sấy nhiệt trước đây. Nhờ đó, sản phẩm làm ra giữ nguyên chất lượng, màu sắc tự nhiên”.
Hỗ trợ mở rộng
Sau 3 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 95 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm sau khi tham gia đều phát triển, có nhiều chuyển biến rõ về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện, thương hiệu. Các địa phương có nhiều cơ chế hỗ trợ để phát triển sản phẩm. Ví như tại Yên Dũng, mỗi năm địa phương đều bố trí kinh phí hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm dự thi OCOP hoàn thiện các tiêu chí. Với những sản phẩm tham gia nâng sao, UBND huyện sẽ hỗ trợ tem nhãn, bao bì cũng như quảng bá sản phẩm.
Theo kế hoạch, ngày 29 và 30/7, Tổ tư vấn sẽ đánh giá các sản phẩm tham gia OCOP đợt này. Khoảng một tuần sau, thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh họp, phân hạng các sản phẩm. |
Hay như tại huyện Lạng Giang, để phát triển thương hiệu Bưởi Trường Thịnh, huyện có chủ trương xây dựng vùng sản xuất tập trung với diện tích 280 ha tại các xã: Quang Thịnh, Nghĩa Hưng, Đào Mỹ, Hương Sơn và Tiên Lục. Ông Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang nói: “Việc đưa sản phẩm Bưởi Trường Thịnh dự thi OCOP là dấu mốc trong lĩnh vực cây ăn quả của huyện. Cùng với mở rộng diện tích trồng, địa phương sẽ có thêm những chính sách để thương hiệu Bưởi Trường Thịnh được nhiều người biết đến”.
Thực tế, chương trình OCOP bước đầu thu được kết quả tích cực nhưng hiện có nhiều chủ thể chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Nguyên nhân là do nhiều địa phương, đơn vị chưa tích cực tuyên truyền về chương trình đến các chủ thể sản xuất. Để khắc phục, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên cử cán bộ phối hợp với các địa phương, đến từng chủ thể hướng dẫn lập hồ sơ, bổ sung, củng cố các tiêu chí còn thiếu, chưa đạt. Các địa phương cũng mở lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình ở cấp xã cũng như các chủ thể sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho biết: “Trong đợt phân hạng lần này, cùng với bảo đảm các tiêu chí theo quy định, chúng tôi sẽ tăng điểm đối với các sản phẩm có hướng phát triển cụ thể trong tương lai. Tuy nhiên, để sản phẩm sau khi được phân hạng có hướng phát triển phù hợp, các địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế để chủ thể hoàn thiện mẫu mã bao bì, tăng chất lượng và nâng hạng sản phẩm”.
Ý kiến bạn đọc (0)