Quy định chặt chẽ, phù hợp điều kiện thực tế nhằm bảo vệ, phát triển tài nguyên đất
Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Trần Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Tiến Châu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì tại điểm cầu T.Ư.
![]() |
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
|
Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Trần Công Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phản biện chủ trì. Cùng dự có các thành viên Hội đồng phản biện; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, đất đai là lĩnh vực rộng lớn, có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Sau 8 năm thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, nhiều nội dung không còn phù hợp trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
Vì vậy, việc sửa đổi lần này có ý nghĩa quan trọng, giúp thể chế hóa chủ trương của Ban Chấp hành T.Ư Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ 5 về” Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề cụ thể, tạo thuận lợi cho cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình tiếp thu, bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 tới đây.
![]() |
Quang cảnh điểm cầu Bắc Giang.
|
Mở đầu hội nghị, đại biểu Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu ý kiến, tại Điều 160 (Tập trung đất nông nghiệp), Mục 2, Chương XII (Chế độ sử dụng đất) dự thảo cần quy định rõ hơn, cụ thể về nguyên tắc, cơ chế quản lý, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với phương thức “góp quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất nông nghiệp”.
Nếu luật không quy định thì các văn bản hướng dẫn thi hành sau này cần cụ thể hóa nhằm bảo đảm quyền lợi, ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên đất. Bà Vân cũng cho rằng, nội dung này cần được xem xét kỹ, bảo đảm tính thống nhất giữa dự án Luật đất đai (sửa đổi) với Luật Hợp tác xã cũng đang được xem xét sửa đổi, hạn chế tối đa tranh chấp.
Quan tâm đến vấn đề bảo vệ đất công ích, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng: Năm 2001, Chính phủ mới có nghị định đầu tiên về công tác quản lý, sắp xếp việc sử dụng đất thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước, thí điểm ở TP Hồ Chí Minh, đến năm 2007 mới áp dụng trong cả nước. Đến nay, qua nhiều lần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, tình trạng thất thoát đất công vẫn tiếp diễn, gây lãng phí nguồn lực phát triển đất nước. Do đó, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, Giáo sư đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ khái niệm, cơ chế quản lý đất công, bảo đảm tính chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.
Tại hội nghị phản biện, nhiều ý kiến phản biện của đại biểu các địa phương cũng kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật như: Xác định phạm vi và làm rõ các tiêu chí, điều kiện với các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH; có cơ chế chia sẻ lợi ích lâu dài trong quá trình khai thác sử dụng đất giữa nhà đầu tư với người có diện tích đất bị thu hồi; quy định rõ về nguyên tắc, phương pháp xác định và lộ trình thực hiện khung giá đất theo thị trường; từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý đất đai, bảo đảm tính công khai, minh bạch tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Đặc biệt, qua rà soát, dự thảo lần này có 6 điều quy định về MTTQ Việt Nam, trong đó, chủ yếu là vận động, thuyết phục khi thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn thiếu vai trò giám sát, phản biện xã hội. Vì thế, các đại biểu kiến nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, tập trung vào những nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Phát biểu kết luận, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, thời gian qua, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bởi dự án luật này không chỉ là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống KT-XH, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, mà còn là một luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
Tại hội nghị, có 18 ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các hội đồng tư vấn, đại biểu các tỉnh, TP trong cả nước với những nội dung rất công phu, bài bản, khoa học, bám sát nội dung Nghị quyết số 18, phù hợp thực tiễn, tuân thủ Hiến pháp. Từ đó, cơ bản phân tích, giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, bước đầu tạo niềm tin, kỳ vọng trong nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau hội nghị này, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chỉ đạo bộ phận chuyên trách tổng hợp các ý kiến, kèm theo văn bản phản biện của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, trọng tâm là những nội dung, ý kiến chưa thống nhất gửi cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng chí đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tập trung phân tích, phản hồi lại các kiến nghị với Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam theo quy định.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)