Quan tâm giám sát, nâng chất lượng bữa ăn ca cho công nhân
Nhân rộng mô hình, bảo đảm sức khỏe NLĐ
Hiện nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quản lý và chỉ đạo toàn diện hơn 1,8 nghìn CĐCS với gần 225 nghìn đoàn viên. Để bảo vệ sức khỏe đoàn viên, tạo động lực để họ làm việc, từ tháng 8/2018, LĐLĐ tỉnh ban hành Kế hoạch số 10/KH-LĐLĐ về xây dựng mô hình “Công đoàn tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca trong doanh nghiệp (DN)” giai đoạn 2018-2023.
![]() |
Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang) bổ sung dinh dưỡng với một hộp sữa tươi cho NLĐ. |
Đồng thời, LĐLĐ tỉnh quán triệt tới các cấp công đoàn thực hiện Kết luận số 03/KL-BCH, ngày 18/1/2022 của Ban Chấp hành (BCH) Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH năm 2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”.
Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ DN; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ CĐCS ở DN có từ 300 lao động trở lên; khảo sát, đánh giá, phân loại bữa ăn ca ở các DN với các tiêu chí rõ ràng, tạo thuận lợi trong tuyên truyền, giám sát.
Theo bà Diêm Bích Liên, Trưởng Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động (LĐLĐ tỉnh), từ 32 mô hình vào năm 2018, đến nay, đã có 109 DN đăng ký tham gia. DN từng bước thay đổi nhận thức, quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ.
Điển hình như: Công ty TNHH SiFlex Việt Nam (KCN Quang Châu), ngoài hỗ trợ bữa ăn ca trị giá 19 nghìn đồng/người/suất, NLĐ tăng ca từ 2 giờ trở lên được bố trí thêm 1 suất ăn trị giá 15 nghìn đồng; Công ty TNHH Shinshung Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng) bổ sung thêm trái cây, sữa chua trong mỗi suất ăn; Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) thuê cùng lúc hai nhà thầu nấu ăn với thực đơn đa dạng để công nhân lựa chọn.
Là một trong những DN có số lượng lao động lớn (27 nghìn người) trên địa bàn các KCN tỉnh, Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (KCN Vân Trung) hiện đang hỗ trợ bữa ăn ca với mức 45 nghìn đồng/ngày. Theo đó, mỗi NLĐ (tùy theo thời gian chia ca ngày/đêm) sẽ được dùng 3 bữa/ngày gồm: Bữa sáng (7 nghìn đồng); bữa trưa (19 nghìn đồng); bữa tăng ca (19 nghìn đồng). NLĐ quẹt thẻ sau mỗi lần dùng bữa.
Đến cuối tháng, bộ phận hành chính sẽ trừ tiền ăn tương ứng với số buổi chấm công thực làm, số còn lại được trả vào tài khoản NLĐ. Ông Bùi Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, nhờ CĐCS đối thoại định kỳ và tổng hợp các kiến nghị của NLĐ, lãnh đạo Công ty thường xuyên quan tâm, cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho công nhân.
Định kỳ vào thứ Ba hằng tuần, nhà thầu cung cấp suất ăn sẽ giới thiệu 2 món mới dự kiến sẽ thay đổi trong thực đơn. NLĐ được dùng miễn phí và cho ý kiến trước khi quyết định điều chỉnh. Nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi được bổ sung dinh dưỡng bằng sữa tươi hoặc các loại chè vào mỗi bữa và không hạn chế khẩu phần với món chính.
“Từ khi làm việc tại đây, tôi luôn hài lòng với bữa ăn ca. Với mức hỗ trợ như hiện nay, món ăn sạch sẽ, đầy đặn, thực đơn được thay đổi liên tục nên kể cả khi tăng ca, chúng tôi vẫn bảo đảm sức khỏe để hoàn thành công việc”, công nhân Lăng Thị Bích chia sẻ.
Đưa bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể
Từ năm 2016 đến nay, 17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã phối hợp với cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ tại 85 DN; chỉ đạo hơn 2,3 nghìn lượt CĐCS trong DN tổ chức giám sát về chất lượng bữa ăn ca.
![]() |
Bữa ăn ca của công nhân Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam (KCN Quang Châu). |
Qua giám sát và đánh giá hiệu quả của các mô hình “Công đoàn tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca trong DN”, bên cạnh những chuyển biến tích cực, hiện vẫn còn số ít DN hỗ trợ suất ăn dưới 18 nghìn đồng; một số bếp ăn tập thể chưa đủ diện tích; chưa thực hiện tốt khâu lựa chọn thực phẩm, lưu mẫu; thực đơn các suất ăn đơn giản.
Vì thế, nguy cơ về ngộ độc thực phẩm từ các bữa ăn ca vẫn luôn tiềm ẩn. Bên cạnh đó, trong tổng số 601 DN có tổ chức công đoàn thì có tới 235 đơn vị chưa bố trí được bếp ăn tập thể, mua suất ăn bên ngoài cung cấp cho công nhân hoặc phát tiền ăn ca hằng tháng để công nhân tự lo. Do đó khó kiểm soát chất lượng suất ăn, sức khỏe NLĐ cũng khó bảo đảm.
Từ các mô hình điểm, hiện 488 DN có suất ăn từ 18 nghìn đồng trở lên; nhiều đơn vị có mức hỗ trợ ăn ca từ 22-30 nghìn đồng/suất, có bữa ăn cải thiện hằng tuần. |
Thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, hằng năm LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với ngành chức năng cùng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát về việc chấp hành pháp luật lao động.
Trong đó chú trọng tuyên truyền xây dựng mô hình, chỉ đạo CĐCS tích cực vận động, tham mưu với chủ DN quan tâm cải thiện bữa ăn ca, giá trị tối thiểu từ 18 nghìn đồng trở lên, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến.
Đơn cử như tại Công ty cổ phần May Vin - Global (Lạng Giang), để việc tổ chức bếp ăn phục vụ gần 1 nghìn suất ăn cho công nhân mỗi ngày được bài bản, BCH Công đoàn thành lập tổ giám sát, phân công lịch kiểm tra định kỳ và đột xuất, kiểm soát ở tất cả các khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, chế biến đến bảo quản mẫu.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, bên cạnh hoạt động giám sát, giải pháp quan trọng nhằm tạo cơ hội, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo đảm chất lượng bữa ăn ca là đưa nội dung này vào thỏa ước lao động tập thể. Như tại Công ty TNHH Smart Shirts Bắc Giang (KCN Vân Trung), hiện mức hỗ trợ bữa ăn ca trị giá 20 nghìn đồng/người/suất. Ngoài ra, trong mỗi suất ăn đều có bổ sung quả tươi tráng miệng.
Trong 1 tháng, NLĐ được cải thiện 2 bữa ăn đặc biệt (vào tuần đầu và tuần cuối cùng của tháng) có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Chị Vũ Thị Huê, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, hằng quý, sau khi tổng hợp ý kiến của đoàn viên, công đoàn sẽ thương lượng, đề xuất lãnh đạo DN điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến quyền lợi công nhân, trong đó có bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể. Đây là căn cứ để công đoàn giám sát, yêu cầu DN thực hiện nghiêm, bảo vệ sức khỏe NLĐ.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)