Phòng dịch an toàn, kinh doanh hiệu quả
Khắc phục khó khăn, duy trì kinh doanh
Bà Nguyễn Kim Hoa, kinh doanh thực phẩm tại phố Hoàng Hoa Thám, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên-Bắc Giang) vừa trải qua đợt cách ly do có trường hợp nhiễm Covid-19 trước đó đến mua hàng. Sau nhiều lần xét nghiệm có kết quả âm tính, bà phấn khởi cho biết: “Thật may là tôi luôn thực hiện các biện pháp phòng dịch khi bán hàng nên không bị lây bệnh. Công việc bán hàng thường tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nên tôi luôn đeo khẩu trang, mũ chắn giọt bắn, đồng thời giữ khoảng cách với khách hàng”.
![]() |
Khách hàng quét mã khai báo y tế, đo thân nhiệt tự động khi đến Siêu thị Go Bắc Giang. |
Tại Siêu thị GO Bắc Giang - nơi từng phải phong tỏa, tạm dừng hoạt động do liên quan đến ca bệnh nên khi hoạt động trở lại, đơn vị phân công nhân viên trực tại cửa ra vào nhắc khách hàng quét mã QR, khai báo y tế, sát khuẩn và đo thân nhiệt tự động. Ở một số chợ trên địa bàn TP Bắc Giang, lực lượng chức năng các phường, xã chăng dây quanh khu vực bày bán hàng để người bán và mua giữ khoảng cách cần thiết; bố trí lối vào và ra riêng biệt để tránh tập trung đông; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương; tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng dịch khi mua bán.
Khảo sát các chợ và một số cửa hàng trên các tuyến phố: Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Nguyễn Văn Cừ… nhận thấy việc chấp hành quy định 5K khi mua bán hàng đã được quan tâm. Tiểu thương trang bị nước sát khuẩn, treo biển nhắc khách hàng đeo khẩu trang, giãn cách khi đến mua bán. Nhiều cơ sở tự chăng dây, sắp xếp hàng hóa, phương tiện ngăn lối đi hoặc làm tấm chắn kính để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Trên địa bàn toàn tỉnh, các cửa hàng giải khát, ăn uống cơ bản không phục vụ khách tại chỗ, chỉ bán mang về. Ông Đào Văn Hà, Trưởng Ban quản lý chợ Hoàng Thanh (Hiệp Hòa) cho biết: "Hằng ngày, chợ không chỉ có người trong xã mà còn cả ở xã, huyện lân cận đến mua sắm nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Từ khi dịch diễn biến phức tạp, Ban quản lý tăng cường các biện pháp PCD trong đó trực chốt hướng dẫn phân luồng, yêu cầu tiểu thương, khách hàng sát khuẩn, vào ra chợ một chiều và nhất là nắm bắt lịch trình di chuyển của người ở nơi khác đến giao dịch qua quét mã QR khai báo y tế".
Nâng ý thức phòng dịch
Chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh là nơi thường tập trung đông người mua bán, trong đó có trường hợp nhiễm bệnh hoặc đã tiếp xúc gần với người bệnh nên nguy cơ lây nhiễm cao. Thời gian qua từng phát sinh chùm bệnh ở hai huyện Lạng Giang, Yên Thế (Bắc Giang) do lây nhiễm khi đến cửa hàng ăn uống, giải khát và giải trí. Liên quan đến các ca nhiễm từng đến giao dịch, lực lượng chức năng các địa phương đã phong tỏa, cách ly nhiều chợ như: Mọc (Tân Yên), Nếnh (Việt Yên), chợ tạm Hồ Bắc, Vĩnh Ninh, Siêu thị GO, Siêu thị Mediamart (TP Bắc Giang) cùng nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, tạp hóa điện thoại, quần áo để phòng ngừa dịch lây lan.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế mới đây, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng phải công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác PCD; tạo mã QR hoặc tờ khai y tế để kiểm dịch và trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại lối vào khu dịch vụ; có biện pháp kiểm soát mật độ người bảo đảm quy định PCD. |
Tuy nhiên qua nắm bắt tại các khu vực kinh doanh nhận thấy một số người dân có biểu hiện chủ quan, lơ là phòng dịch. Không ít người cho rằng đã tiêm vắc-xin nên không thực hiện nghiêm 5K. Tại hàng rau quả, thực phẩm ở chợ Thương, chợ Ngô Quyền, chợ Tiền Môn (TP Bắc Giang) hay chợ Mọc (Tân Yên), chợ Vôi (Lạng Giang)…một số tiểu thương, khách hàng quên đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách; tụ tập đông người và không ít người thản nhiên chui qua dây ngăn cách để vào trong chọn mua hàng. Tại các chợ, TTTM ở TP Bắc Giang hoặc các chợ lớn ở huyện đều có điểm quét mã QR khai báo y tế nhưng nhiều người không thực hiện.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, các TTTM, siêu thị, chợ, nhà hàng phải công khai tên, số điện thoại của cán bộ phụ trách công tác PCD để người lao động, người bán hàng và khách hàng biết, liên hệ khi cần thiết. Tạo mã QR hoặc tờ khai y tế để kiểm dịch và trang bị khẩu trang, nước rửa tay tại lối vào khu dịch vụ; có biện pháp kiểm soát mật độ người bảo đảm quy định PCD. Khi phát hiện người có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở phải thông báo cho cán bộ quản lý nhà hàng, siêu thị, TTTM và cán bộ y tế để kịp thời có biện pháp y tế phù hợp.
Các huyện, TP cũng chỉ đạo cán bộ chuyên môn và đơn vị cơ sở tăng cường PCD tại các khu vực có hoạt động kinh doanh. Tại TP Bắc Giang, đến nay các siêu thị, TTTM, chợ và 100% hộ kinh doanh đã có điểm quét mã QR; tỷ lệ người dân có mã QR cá nhân cao nên thuận lợi cho việc khai báo y tế điện tử. Ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế TP cho biết: Ban Chỉ đạo PCD TP vừa chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ; Ban Quản lý chợ, TTTM, siêu thị trên địa bàn nâng cao các biện pháp PCD. Trong đó yêu cầu tất cả nhân viên, thương nhân, người đến mua hàng có sử dụng thiết bị thông minh phải quét mã QR trước khi vào mua hàng; tích cực phát hiện, thông tin đến bộ phận quản lý chợ về trường hợp đến từ vùng dịch. UBND các phường, xã giám sát việc thực hiện của các đơn vị, hộ kinh doanh trên địa bàn, liên tục kiểm tra, nhất là vào giờ cao điểm để nhắc nhở, xử phạt nghiêm vi phạm.
Bên cạnh các biện pháp phòng dịch do các đơn vị, điểm kinh doanh áp dụng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định để bảo đảm an toàn cho mình và mọi người, góp phần kiểm soát dịch bệnh, giúp hoạt động kinh doanh được duy trì hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)