Nhìn nhận đúng thực trạng để phát triển nông nghiệp bền vững, cho thu nhập cao
Tốc độ tăng trưởng đạt cao
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương chủ trì buổi làm việc. |
6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, các lĩnh vực đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Sản xuất vải thiều thành công trên mọi phương diện, năng suất, sản lượng cao nhất từ trước tới nay.
Dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát, tái đàn nhanh đàn lợn, đàn gia cầm tăng. Diện tích nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục phát triển. Công tác trồng, bảo vệ rừng được quan tâm.
Đến hết tháng 6, toàn tỉnh có 4/14 xã thuộc huyện Yên Dũng đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 127 xã đạt chuẩn. HTX nông nghiệp trên địa bàn có bước chuyển về số lượng và loại hình hoạt động theo hướng liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều địa phương phải giãn cách, cách ly xã hội nên sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, gây áp lực rất lớn cho công tác chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản.
Giá vật tư phục vụ sản xuất như phân bón, con giống và thức ăn chăn nuôi, thủy sản ở mức cao (tăng hơn 20% so với cùng kỳ) trong khi giá thương phẩm một số nông sản như rau, quả, thịt lợn, gà giảm gây khó khăn cho nông dân.
Diện tích rừng tự nhiên của các ban quản lý rừng phòng hộ chất lượng thấp, nhất là rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn (Lục Ngạn).
Việc duy tu sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống công trình đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do thiếu nguồn kinh phí; tỷ lệ cứng hóa kênh tưới tiêu, giao thông nội đồng còn thấp. Cơ chế, chính sách của tỉnh về đất đai, hỗ trợ, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nhất là bảo quản, chế biến còn hạn chế do vậy chưa tạo liên kết ổn định giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
![]() |
Đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo kết quả thực hiện của ngành nông nghiệp. |
Từ thực tiễn, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị tỉnh bổ sung biên chế cho lực lượng tham gia quản lý đê, thường trực phòng, chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn; cho phép xây dựng Đề án hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực rừng phòng hộ Cấm Sơn giai đoạn 2022-2025 để phát huy tối đa chức năng phòng hộ của rừng, tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, tăng khả năng sinh thủy của hồ.
Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương xây dựng Kế hoạch hỗ trợ hạ tầng đường giao thông và kênh mương nội đồng phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung, sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ đất lúa; tăng nguồn kinh phí duy tu sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống công trình đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết từ nguồn vốn ngân sách của các huyện, TP. Đẩy nhanh tiến độ, thủ tục giải thể Trung tâm giống nấm Bắc Giang.
![]() |
Đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ trao đổi về một số vấn đề đề xuất, kiến nghị. |
Trao đổi tại hội nghị về vấn đề bổ sung biên chế, đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, việc tuyển dụng biên chế cho kiểm lâm, quản lý đê điều hiện nay rất khó. Thực tế, nhiều công chức trúng tuyển đã bỏ việc. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần tính toán, áp dụng công nghệ vào quản lý rừng, công trình thủy lợi.
Về cải cách hành chính, Sở cần quan tâm hơn cải thiện chỉ số, xếp hạng. Đối với đề xuất tổ chức lại hệ thống Trạm Thú y các huyện, TP, đồng chí Vũ Mạnh Hùng thông tin sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để tìm cách tháo gỡ.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT nên định hướng phân định rõ các vùng trồng chuyên canh; kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường; coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm; tham mưu cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Rà soát, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đề ra
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích đề nghị ngành nông nghiệp tập trung rà soát các nhiệm vụ, nhất là chỉ tiêu đạt thấp để tập trung nguồn lực tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn thành. Thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng.
Mùa mưa bão đã đến, hạ tầng phòng, chống còn hạn chế nên chỉ với lượng mưa 100- 200 mm đã hết sức lo ngại. Ngành cần quan tâm thực hiện “4 tại chỗ” chuẩn bị tốt diễn tập phòng, chống lụt bão tại huyện Hiệp Hòa trong tháng 8.
![]() |
Đồng chí Lê Ô Pích phát biểu tại buổi làm việc. |
Qua theo dõi, đồng chí cho biết nhiều công trình thủy lợi tiến độ triển khai chậm, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tăng khả năng ứng phó với tình huống xấu. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm khung thời vụ sản xuất vụ mùa, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Trong chăn nuôi, đặc biệt đàn lợn phải phòng, chống tốt dịch tả lợn châu Phi.
Hiện nay, tranh chấp rừng ở một số nơi vẫn phức tạp, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng trồng. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đưa các xã về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch.
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương kết luận hội nghị. |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương ghi nhận kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Sự nỗ lực đó đã tăng uy tín cho nông sản của tỉnh, đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu kép.
Đồng chí gợi mở, Bắc Giang đạt trình độ sản xuất hàng hóa cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng mấy năm nay, sản phẩm nông nghiệp vẫn xoay quanh vải thiều, cây ăn quả có múi. Đàn lợn, đàn gà số lượng vẫn vào loại lớn song không ổn định, còn bấp bênh. Sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì, chưa có bước phát triển, thậm chí gà đồi còn kém hơn trước.
Cây ăn quả, nhìn tổng thể không phải chỗ nào cũng màu sáng. Nhiều địa phương đua nhau làm cây ăn quả nhưng cứ trồng lại phá, điển hình là cam. Việc tiêu thụ vẫn gặp không ít khó khăn.
Bắc Giang có diện tích rừng lớn, tuy nhiên khai thác kinh tế rừng còn manh mún, vai trò dẫn dắt của ngành chưa rõ.
Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, để sản xuất ổn định, bền vững cần nhìn nhận đúng thực trạng của ngành nông nghiệp để có hướng đi hiệu quả, lâu dài. Và để giải bài toán này cần kiên trì đi theo “con đường” như: Nông nghiệp cho thu nhập cao, không phải là sản lượng cao; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm.
“Chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới ổn định, muốn vậy chúng ta phải từng bước nâng dần tỷ trọng xuất khẩu chính ngạch. Điều này không thể thực hiện trong một năm, hai năm mà phải có lộ trình. Khi xuất khẩu nông sản, giá bán cao người dân chấp nhận tham gia vào chuỗi. Cho nên, sản xuất cây, con gì cũng phải đặt câu hỏi có xuất khẩu được không mới triển khai”, đồng chí Lê Ánh Dương nói. Đồng chí cũng chỉ rõ, tới đây sản xuất phải coi trọng theo chuỗi.
Đồng chí yêu cầu, Sở cần đánh giá lại để tham mưu định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới; định hướng mô hình sản xuất. Trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách có tầm nhìn dài hạn, hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản.
Với dữ liệu lớn, ngành nông nghiệp phải quyết tâm đi đầu trong chuyển đổi số.
Về những kiến nghị, đồng chí cơ bản nhất trí với các kiến nghị, giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển khai.
Tin, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)