Nhận diện vi phạm, bảo đảm kháng nghị chính xác
Từ đầu năm đến nay, Viện KSND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Dũng, Lạng Giang và Tân Yên đã kháng nghị 6 bản án hình sự sơ thẩm liên quan đến 13 bị cáo. Đơn cử, tại bản án hình sự số 36/2021/HSST ngày 28/6/2021 của TAND huyện Tân Yên về quyết định xử phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiệp (SN 1975) ở thôn Tiến Sơn, xã Hợp Đức (Tân Yên) về tội đánh bạc. Quá trình kiểm sát bản án, Viện KSND huyện nhận thấy một phần phán quyết chưa hợp lý nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại.
![]() |
Cán bộ Viện KSND huyện Việt Yên trao đổi về bản án hình sự có tính chất phức tạp để nhận định đúng hành vi, mức độ phạm pháp. |
Cụ thể, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, đề nghị tăng hình phạt, không truy thu số tiền hơn 83 triệu đồng sung quỹ nhà nước đối với bị cáo Hiệp. Được biết, bản án sơ thẩm đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác” đối với bị cáo Hiệp. Tuy nhiên, từ những căn cứ kiểm sát viên đưa ra đã chứng minh bằng khen tặng cho bị cáo là không đúng quy định. Do đó không có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Không được hưởng tình tiết giảm nhẹ nên việc xử phạt Nguyễn Văn Hiệp 2 năm tù là không tương xứng với hành vi phạm tội (mức phạt từ 3 năm đến 7 năm tù).
Đối với số tiền hơn 83 triệu đồng, từ những căn cứ về tài liệu, hồ sơ vụ án do kiểm sát viên đưa ra đã cho thấy chỉ có căn cứ để tịch thu số tiền thu giữ khi bắt quả tang là gần 3,9 triệu đồng do phạm tội mà có đối với Hiệp. Ngày 21/8, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị phúc thẩm của VKSND huyện Tân Yên. Sửa bản án sơ thẩm, tuyên án bị cáo 3 năm tù. Qua đó bảo đảm hình phạt nghiêm minh.
Trước đó, ngày 18/3, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lăng Văn Sẩn (SN 1971) ở thôn Khuyên Quéo, xã Biển Động (Lục Ngạn) về các tội “Cưỡng đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Làm nhục người khác”, TAND huyện Sơn Động đã ra quyết định bị cáo phải chịu án phí hình sự, dân sự. Nghiên cứu kỹ bản án, kiểm sát viên Viện KSND huyện nhận thấy việc thu án phí đối với bị cáo là chưa chuẩn xác, chưa đúng với chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo quy định, bị cáo là người dân tộc thiểu số (dân tộc Nùng) sống ở thôn đặc biệt khó khăn thì được miễn án phí. Do đó, Viện KSND huyện đã kháng nghị phần quyết định về án phí của bản án, bảo đảm quyền lợi bị cáo. Ông Đặng Bá Hưng, Viện trưởng Viện KSND huyện Sơn Động cho biết: Công tác kháng nghị vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền năng pháp lý của Viện KSND huyện trong việc điều chỉnh sai phạm đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Thông qua kháng nghị, nhiều bản án, quyết định chưa đúng của phiên tòa sơ thẩm đã kịp thời được sửa trong phiên xử phúc thẩm, bảo đảm đúng tội danh, khung hình phạt.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, Viện KSND hai cấp đã tích cực thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn bằng hình thức trực tuyến. Bản án sơ thẩm được kiểm sát viên xem xét mức độ phù hợp với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và kết quả xét hỏi, tranh tụng tại tòa. Nếu phát hiện sai phạm, sẽ ban hành kháng nghị trong từng trường hợp cụ thể.
Không chỉ trực tiếp tham gia kháng nghị, đối với kiểm sát viên cấp tỉnh được giao phụ trách địa bàn, lãnh đạo Viện KSND tỉnh yêu cầu cán bộ hướng dẫn, phối hợp với Viện KSND cấp huyện kiểm sát chặt chẽ các bản án và việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử sơ thẩm để phân tích, đánh giá đúng hành vi vi phạm. Đồng thời thực hiện báo cáo để lãnh đạo đơn vị kịp thời chỉ đạo kiểm tra, ban hành kháng nghị. Với những giải pháp trên, chất lượng kháng nghị tại Viện KSND hai cấp được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ kháng nghị được tòa án cùng cấp tiếp thu đạt 100%.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh cho biết: Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị là khâu quan trọng trong công tác kiểm sát hằng năm. Theo đó, các phòng nghiệp vụ tăng cường hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiểm sát viên nhằm nâng cao kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định của TAND, bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công bằng, sửa chữa sai lầm trong bản án, quyết định của tòa án.
Ý kiến bạn đọc (0)