Nhân 92 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (1930 - 2022): Tạo động lực cho phụ nữ vươn lên
Đa dạng phương thức hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, 9 tháng năm 2022, các cơ sở hội đã giúp gần 2,2 nghìn hộ thoát nghèo, 420 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. Tại xã Yên Sơn (Lục Nam), để hỗ trợ hội viên hiệu quả, Hội LHPN xã tích cực rà soát, nắm bắt nhu cầu của đối tượng thuộc diện được tiếp cận vốn trong các chương trình ưu đãi.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Tân Hưng, xã Tư Mại (Yên Dũng) sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. |
Sau khi giải ngân, Hội phối hợp với ngân hàng giám sát quá trình sử dụng vốn; kịp thời có biện pháp xử lý đối với hộ vay gặp rủi ro. Do quản lý các nguồn vốn hiệu quả, kinh tế hộ vay vốn ngày một cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 18,2% (năm 2002) xuống 3,44% (năm 2022). Đời sống người dân cũng như uy tín của tổ chức hội được nâng lên.
Được Hội LHPN xã Tư Mại (Yên Dũng) bảo lãnh vay vốn 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện để nuôi cá vào năm 2018, hộ bà Trần Thị Thêu (SN 1964) ở thôn Tân Hưng đã thoát nghèo sau ba năm.
Bà Thêu nói: “Nhà nghèo, tôi lại mắc bệnh ung thư nên cuộc sống càng khó khăn. Được các cán bộ Hội tạo điều kiện giúp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật nuôi cá nên tôi có thu nhập tốt. Gia đình đã xây được nhà, có phần tích luỹ cho hai vợ chồng sau này”. Hiện sức khỏe của bà Thuê tiến triển tích cực. Bà thường xuyên giúp đỡ các chị em trong Chi hội cách chọn giống, kỹ thuật nuôi cá thương phẩm.
Sinh sống ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, các cấp hội phụ nữ huyện Yên Thế đã sáng tạo trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, điển hình là nhận giúp đỡ hộ thoát nghèo. Từ đầu năm đến nay, gần 9 nghìn lượt chị kinh tế khá đã giúp 3,3 nghìn lượt chị khó khăn, cho vay không lấy lãi tổng số tiền gần 9,4 tỷ đồng; giúp không hoàn lại 189 triệu đồng cho 425 trường hợp khó khăn, ốm đau đột xuất.
Bà Dương Thị Thúy (SN 1966) ở bản Bình Minh, xã Đồng Vương đang sống một mình trong căn nhà cấp bốn, con trai đi làm ăn xa. Ít đất sản xuất nông nghiệp, không có việc làm thêm nên bao năm cái nghèo vẫn đeo bám gia đình bà.
Chị Lý Thị Phin, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Vương cho biết: “Năm 2021, chúng tôi trao tặng bà Thúy hai con bò giống. Sau hơn một năm, bò nái đã sinh sản, bà Thúy bán hai con bê thu về hơn 20 triệu đồng, cùng với các nguồn hỗ trợ khác của địa phương, cuộc sống gia đình bà Thuý được cải thiện”.
Được biết năm 2022, toàn huyện Yên Thế có gần 200 hộ phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 40 hộ thoát nghèo bền vững nhờ sự giúp đỡ của các cấp hội.
Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Để khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở và phối với với các tổ chức, đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Chính phủ. Nhiều mô hình kinh tế, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thị trường do phụ nữ làm chủ được xây dựng thành công.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn và lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ các địa phương. |
Từ khi triển khai đề án đến nay, toàn tỉnh đã giúp đỡ gần 1,4 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công, hỗ trợ thành lập 17 HTX, 56 tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ. Nổi bật như: HTX Sản xuất tiêu thụ Lan Phúc, xã Quế Nham (Tân Yên); Tổ phụ nữ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn tại xã Vĩnh An (Sơn Động); Tổ liên kết trồng dứa ở xã Hương Sơn, trồng dưa ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang).
Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp tham gia tích cực vào hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm để kết nối cung cầu như: Tổ chức hội chợ quê, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ phụ nữ đưa sản phẩm đặc trưng tham gia các hội nghị, diễn đàn. Qua đó mở rộng kênh tiêu thụ, góp phần giải quyết đầu ra, nâng cao thu nhập, chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 10 mô hình khởi nghiệp với tổng số vốn hơn 2,75 tỷ đồng. Các cơ sở hội giúp gần 2,2 nghìn hộ thoát nghèo, 420 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững. 200 hội viên được vay vốn khởi nghiệp, gần 300 hội viên được tặng phương tiện sinh kế với tổng trị giá hơn 11 tỷ đồng. |
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh cho biết: "Để cùng nhau phát triển, chúng tôi phân công đơn vị, doanh nghiệp mạnh giúp đỡ các đơn vị vừa, nhỏ, mới thành lập để thực hiện ý tưởng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Từ đó gắn kết các thành viên, phát triển hội ngày một lớn mạnh, đoàn kết, khẳng định được vai trò của nữ doanh nhân trong phát triển KT-XH địa phương. Với sự gắn kết chặt chẽ, nhiều cá nhân sau khi có sự nghiệp đã giúp đỡ trở lại các hội viên khó khăn khác, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động".
Trong hỗ trợ phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp khả thi, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, gia đình về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế; huy động sự ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, khích lệ, lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong các cấp hội.
Đồng chí Nguỵ Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các cấp hội triển khai hiệu quả chương trình tín dụng dành cho hội viên hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm; tập huấn, đào tạo nghề, cung cấp kiến thức về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu.
Đồng thời rà soát, chọn mô hình kinh tế có khả năng tăng trưởng để hỗ trợ theo Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Cùng đó, Hội LHPN tỉnh phối với các ngành, cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng mô hình tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ cấp tỉnh, sau đó sẽ nhận rộng ra toàn tỉnh”
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)