Người về từ lao tù Côn Đảo, Phú Quốc

Ông Trần Văn Tám.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Trần Văn Tám (SN 1945) trở về quê hương ở thôn Đồi Giàng, xã Đại Hóa (Tân Yên) sinh sống. Mang trong mình vết thương chiến tranh, là thương binh 41%, bệnh binh 61% và nhiễm chất độc hóa học, đau đớn rất nhiều nhưng ông cho rằng “Tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội vì đã được sống và trở về” - Kể chuyện với tôi, ánh mắt ông tràn đầy niềm tự hào vì đã đóng góp, hy sinh một phần thân thể mình cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Ông Trần Văn Tám.
Vào ngày 24-3-1967, khi đang là học viên của một trường trung cấp công an, ông xung phong đi bộ đội, 6 tháng sau hành quân vào chiến trường miền Nam. Chiến đấu ở sân bay Đà Nẵng, ông bị nhiễm chất độc hóa học. Năm 1968, ông hoạt động ở tỉnh Bình Định rồi sau đó vào Sài Gòn tham gia biệt động thành với nhiệm vụ thu thập thông tin về lực lượng, kế hoạch của địch để báo cáo với tổ chức.
Hoạt động trong lòng địch, nhằm bảo đảm thông tin bí mật, thanh niên Trần Văn Tám được sắp xếp ở cùng với một chiến sĩ quê tỉnh Bến Tre. Sẵn có chút kiến thức về đông y, thời gian này, để che mắt địch, ông Tám đóng vai một thầy lang chuyên đi chữa bệnh cho người dân, lấy nhà dân làm nơi để sao chế thuốc nam, nấu cao.
Năm 1970, ông bị thương và bị địch bắt, đưa ra nhà tù Côn Đảo (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) giam cầm 3 năm, sau này chuyển sang nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) 1 năm. Ông Tám nhớ lại: “Ở nơi gọi là “địa ngục trần gian” với vô số chuồng cọp, chỉ cần anh em mềm lòng, chịu đứng chào cờ của chúng là được tha, được ăn uống, đối xử đàng hoàng, tử tế. Nhưng tất cả mọi người đều giữ vững chí khí của người cách mạng, cùng động viên vượt qua khó khăn, thậm chí dám chết thay nhau, bảo nhau nhất quyết không khai nửa lời, không chào cờ ngụy, không chịu đầu hàng".
![]() |
Hình ảnh tái hiện thủ đoạn tra tấn dã man của địch đối với những chiến sĩ cách mạng tại Nhà tù Phú Quốc. |
Khi không thuyết phục được, chúng tra tấn rất dã man. Gồng mình trước những đòn tra tấn của địch, xác định đằng nào cũng chết nhưng phải chết trong danh dự, anh em tiến hành tuyệt thực 7 ngày. Đói khát, mệt lả, con ruồi bâu vào mặt mà những người tù không thể đưa tay lên xua được, cảm giác như cả hòn gạch đè nặng lên. Nơi lao tù, giữa sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc, những người lính Cụ Hồ lúc đó luôn vững chắc niềm tin rằng ta nhất định đánh thắng nên vẫn kiên cường tìm mọi cách để đấu tranh chống lại kẻ thù. Qua đó chứng minh ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng, khẳng định niềm tin với Đảng, tin vào chiến thắng của cả dân tộc, tiếp tục chiến đấu cho đến ngày 30-4-1975.
Ở nơi gọi là “địa ngục trần gian” với vô số chuồng cọp, chỉ cần anh em mềm lòng, chịu đứng chào cờ của chúng là được tha, được ăn uống, đối xử đàng hoàng, tử tế. Nhưng tất cả mọi người đều giữ vững chí khí của những chiến sĩ cách mạng, động viên cùng vượt qua khó khăn, thậm chí dám chết thay nhau, bảo nhau nhất quyết không khai nửa lời, không chào cờ ngụy, không chịu đầu hàng. |
Ý kiến bạn đọc (0)