Người dân làm du lịch
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động, thu hút du khách. Xây dựng thương hiệu DLCĐ Bắc Giang thông qua hình thành và phát triển các điểm du lịch, từng bước đưa loại hình này trở thành mũi nhọn, bền vững, làm tiền đề thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh.
Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 có các khu, điểm DLCĐ với các sản phẩm đặc thù. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 2 mô hình thí điểm tại huyện Lục Ngạn, tiếp tục hỗ trợ các điểm hiện có. Phấn đấu đạt 2 triệu lượt du kách, trong đó khách lưu trú 1 triệu lượt người, doanh thu hơn 100 tỷ đồng, số lao động trực tiếp hơn 2 nghìn người. Đến năm 2030, nhân rộng các điểm DLCĐ tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và Sơn Động.
Thực tế tại Bắc Giang cũng đã bước đầu hình thành một số điểm DLCĐ tại Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế… tạo dấu ấn với du khách. Loại hình này do cộng đồng dân cư tổ chức dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương, tạo việc làm và thu nhập thông qua các dịch vụ phục vụ du khách, khôi phục và sản xuất các sản phẩm truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương. Tuy nhiên cách làm ở các điểm này chưa bài bản, còn mang tính tự phát, không thực sự tạo ấn tượng rõ nét nên lượng du khách hạn chế, doanh thu khiêm tốn.
Trong xu hướng du khách ngày càng có nhu cầu tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với bản sắc văn hóa bản địa thì việc phát triển DLCĐ rất thuận lợi. Bắc Giang có nhiều danh lam – thắng cảnh, di tích văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể nổi bật, nhiều làng nghề truyền thống, có nhiều đặc sản gắn với văn hóa ẩm thực… được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” chờ đánh thức thì Đề án sẽ là cú hích thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển mạnh.
Nhưng để DLCĐ thật sự cất cánh, còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết phải nhận thức rõ, muốn loại hình du lịch này phát triển cần gìn giữ và phát huy được bản sắc, yếu tố chân thực của văn hoá bản địa; nét độc đáo, cái hay, cái đẹp trong văn hoá của cộng đồng gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có.
Khi xây dựng các điểm DLCĐ phải vượt qua định kiến “cây nhà lá vườn”, cần làm một cách bài bản, có sáng tạo, phù hợp với thực tế chứ không “có gì thì làm nấy” hoặc mô hình này đang thịnh hành chỉ cần làm theo sẽ thành công. Đơn cử, khách có thể cùng người dân trải nghiệm nguyên bản các hoạt động thường ngày của bà con, tham gia các sinh hoạt văn hóa ở địa phương nhưng phải được lưu trú với tiện nghi đạt chuẩn, ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Và muốn cho DLCĐ phát triển không chỉ nâng cao nhận thức của người dân làm du lịch mà cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cũng như các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, kết nối với doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tour, tuyến nhằm thu hút du khách về địa phương. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trình độ của người dân khi làm DLCĐ.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)