Ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang không ngừng nỗ lực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, cùng với sự ra đời của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bộ máy tài chính nhà nước (Bộ Tài chính) được thành lập với chức năng, nhiệm vụ huy động mọi nguồn lực vừa để nuôi bộ máy nhà nước vừa phục vụ sản xuất, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Kể từ đó, ngày này hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của Ngành Tài chính Việt Nam.
![]() |
Ngành Tài chính tỉnh góp phần đổi thay diện mạo đô thị, nông thôn. Ảnh: Một góc TP Bắc Giang. |
75 năm qua, trên mỗi chặng đường lịch sử cách mạng của dân tộc, cùng với ngành Tài chính Việt Nam, ngành Tài chính tỉnh Bắc Giang không ngừng trưởng thành và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với nhiều sách lược sáng tạo, phù hợp, ngành đã huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân chung tay, đóng góp công sức, của cải giúp đất nước vượt qua bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng thời kỳ đầu mới giành chính quyền.
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong bối cảnh ngân khố quốc gia suy kiệt, tỷ lệ lạm phát cao, ngành Tài chính Bắc Giang đã thực hiện tốt phương châm “tự cấp, tự túc”. Tích cực triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tăng thu, giảm chi, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với tài chính với phương châm “Phát triển kinh tế để tăng cường tài chính và tăng cường tài chính để phát triển kinh tế”.
Hòa bình thống nhất đất nước, nhu cầu chi ngày càng tăng, nhiệm vụ ngành càng nhiều, song ngành Tài chính Bắc Giang thực hiện phương châm: Phân phối vốn của Đảng và Nhà nước, giải quyết hài hòa các quan hệ tỷ lệ vốn đầu tư cần thiết cho sản xuất, bảo vệ Tổ quốc và bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Tài chính Bắc Giang tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1997 đến nay), ngành luôn chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đổi mới cơ chế, chính sách, điều hành quản lý tài chính - ngân sách, góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới, phân phối có hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thu, chi ngân sách tỉnh hằng năm đều vượt so với dự toán, tăng cao so cùng kỳ, từng bước nâng cao tiềm lực tài chính Nhà nước, quy mô thu ngân sách nhà nước (NSNN) bền vững hơn.
Thu ngân sách năm 1997 mới đạt 126,3 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 12.056 tỷ đồng, tăng hơn 95 lần so với năm 1997; tỷ lệ tăng trưởng bình quân/năm từ 2016-2019 đạt 60%, cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Năm 2020 trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch bệnh Covid-19, song toàn ngành phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán thu ngân sách trên 10 nghìn tỷ đồng.
Về chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính ngân sách, tài sản công. Năm 1997, số chi ngân sách địa phương chỉ có 345,2 tỉ đồng, đến năm 2019 tăng lên 20.351 tỉ đồng (tăng 59 lần so với năm 1997), cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng dần chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, đang từng bước tiến tới tự cân đối thu - chi ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, còn tập trung nguồn tài chính cho đầu tư phát triển con người, xóa đói giảm nghèo; củng cố quốc phòng, an ninh; đồng thời là công cụ có hiệu quả để kiểm soát, tạo điều kiện cho phát triển trong giai đoạn mới.
MỘT SỐ PHẦN THƯỞNG NỔI BẬT Huân chương Lao động hạng Ba cho Ty Tài chính Hà Bắc (1981); Huân chương Lao động hạng Ba lần 2 cho Sở Tài chính - Vật giá Bắc Giang (1998); Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng (2002); Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (2007); Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước tặng (2014); Cờ thi đua của Chính phủ (2016); Cờ thi đua của Bộ Tài chính (2018); Cờ thi đua của UBND tỉnh (2019). |
Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng, ngành Tài chính tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ động tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách thuộc thẩm quyền nhằm tích cực động viên, khai thác và chủ động phát triển nuôi dưỡng nguồn lực, ngăn chặn suy giảm kinh tế, kiềm chế lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp (DN), bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn...
Trong hoạt động chuyên môn, ngành Tài chính Bắc Giang đã chủ động cân đối ngân sách, tham mưu bố trí nguồn vốn kịp thời, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quan trọng, cấp bách của địa phương. Đơn cử 5 năm qua (2015 - 2020), ngành đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn cho nhiều dự án đầu tư của tỉnh, quyết toán 819 công trình, dự án hoàn thành với tổng giá trị 9.762 tỷ đồng; huy động 3.322 tỷ đồng (giai đoạn 2017- 2019) làm đường giao thông nông thôn, trong đó ngân sách tỉnh bố trí 1.233 tỷ đồng hỗ trợ xi măng, góp phần đáng kể thay đổi diện mạo các đô thị và hạ tầng nông thôn trong tỉnh; công tác quản lý tài chính đối với DN nhà nước trên địa bàn tỉnh đã, đang thực hiện đúng pháp luật, phục vụ đắc lực việc sắp xếp, đổi mới, chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN…
Công tác quản lý giá cả và tài sản công được thực hiện đồng bộ có hiệu quả góp phần tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó: Phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc đăng ký kê khai, niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu; là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất; tham mưu kiểm tra một số phí, lệ phí chuyển sang áp dụng cơ chế giá; tiến hành sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và ô tô công. Ngành đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương kiểm soát, giảm mạnh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, từ chỗ toàn tỉnh nợ đọng 752 tỷ đồng năm 2016 giảm còn 196 tỷ đồng (giảm 73,9%) năm 2019, trong khi tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019 tăng rất nhiều so với năm 2016.
Bên cạnh thành tựu đã đạt được, hoạt động quản lý, điều hành tài chính ngân sách trên địa bàn tỉnh những năm qua còn có những hạn chế, khó khăn, thách thức. Nền kinh tế của địa phương tuy tăng trưởng cao, nhưng tính bền vững chưa cao; nhu cầu chi ngân sách ngày càng lớn, trong khi nguồn thu chưa đáp ứng đầy đủ. Tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn cao. Cơ cấu chi ngân sách, đặc biệt là chi đầu tư, hỗ trợ sản xuất, mặc dù đã được quan tâm, chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển; công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại DN, chuyển đổi mô hình hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập để huy động nguồn lực tài chính vào đầu tư phát triển chưa cao, hiệu quả còn hạn chế; công tác xã hội hoá giáo dục, y tế đã được đẩy mạnh, nhưng chưa đem lại kết quả như mong muốn…
Nối tiếp truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Tài chính Việt Nam, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính Bắc Giang nguyện phát huy truyền thống của các lớp cha anh đi trước, tăng cường đoàn kết, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trước mắt, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu dự toán kế hoạch năm 2020 và tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ngành Tài chính Bắc Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tập trung làm tốt năm nhiệm vụ sau:
Một là: Tích cực, chủ động, tham mưu đề xuất kịp thời với cấp ủy, chính quyền các cấp về cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính trong xã hội; thực hiện tốt quản lý điều hành công tác tài chính, ngân sách, giá cả, tài sản công…; chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, đơn vị chấp hành tốt Luật NSNN.
Hai là: Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý công tác tài chính trong từng lĩnh vực: Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN; tổ chức triển khai tốt các Luật Thuế sửa đổi, bổ sung; quản lý, điều hành tài chính - NSNN chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo dự toán, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp; quản lý giá, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính DN; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, kế toán đối với các lĩnh vực hoạt động KT-XH nhằm giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính nhà nước, đấu tranh có hiệu quả trong việc chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý tài chính và tài sản công.
Ba là: Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, chất lượng, hiệu quả công tác, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt trách nhiệm công chức và công vụ; thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bốn là: Đẩy mạnh thực hiện hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Năm là: Đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm những sai phạm, bảo đảm chính sách, pháp luật tài chính được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền, tài sản được Nhà nước và nhân dân giao phó quản lý.
Nguyễn Tiến Cơi, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang
Ý kiến bạn đọc (0)