Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống thiên tai
Tại đầu cầu Trung ương, dự và chỉ đạo hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cùng dự có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đại diện một số bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. |
Tại địa phương có 21 điểm cầu được kết nối trực tuyến với Sở Nông nghiệp và PTNT và 167 điểm cầu UBND cấp huyện của 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Tại điểm cầu Bắc Giang có Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng và Chủ tịch UBND 6 huyện, TP có đê gồm: Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hoà và TP Bắc Giang tham dự.
Nguy cơ mất an toàn đê
Hiện cả nước có hơn 9.000 km đê, trong đó có hơn 2.700 km đê bảo vệ các khu vực có dân số tập trung đông, mức ngập sâu và có nhiều công trình hạ tầng quan trọng được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt. Hệ thống đê tại nhiều khu vực chưa đồng bộ theo tiêu chuẩn thiết kế, với 399 km đê thiếu cao trình; 230 điểm đê xung yếu có nguy cơ cao mất an toàn trong mùa mưa bão; nhiều tuyến đê có nguy cơ tràn, vỡ cao, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều còn phổ biến....
Quang cảnh điểm cầu Bắc Giang. |
Về công tác bảo đảm an toàn chống lũ của hệ thống đê, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho rằng: Hệ thống đê điều trong cả nước xuống cấp, nhiều nơi sạt lở, đùn sủi, khi có lũ lớn nguy cơ vỡ đê rất cao. Cùng với sự xuống cấp đê, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp với hơn 10 nghìn việc vi phạm trong 10 năm qua, việc ngăn chặn xử lý còn hạn chế; công tác tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động đang bị lơ là, xem nhẹ; nhiều địa phương không bố trí đủ cán bộ làm công tác chuyên trách quản lý đê theo quy định; nhiều nơi chính quyền địa phương và người dân nhận thức không đầy đủ, chủ quan, xem nhẹ vai trò của hệ thống đê điều dẫn đến việc huy động vật tư nhân lực tại địa phương nhất là “4 tại chỗ” còn nhiều khó khăn".
Trước thực trạng này, công tác phòng, chống thiên tai, đê điều năm 2020 đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, như: Hoàn thiện phương án bảo vệ trọng điểm, hộ đê và tổ chức triển khai trên thực tế; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án bảo vệ trọng điểm; tổ chức tuần tra canh gác trong mùa lũ; tăng cường ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều...
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung như: Thực hiện trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, hộ đê, xử lý vi phạm; công tác “bốn tại chỗ” chống tràn đê; công tác phối hợp và thực thi trong công tác ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã…
Thực hiện phương châm "bốn tại chỗ"
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương một số địa phương đã thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”. Qua đó nhiều “tuyến đê kiểu mẫu” được xây dựng với chiều dài 235 km và đang tiếp tục xây dựng thêm 70 tuyến với chiều dài 306 km.
Khắc phục những hạn chế, khó khăn, phát huy những kết quả đạt được, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị trong thời tới, Chủ tịch UBND huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố có đê cấp III đến cấp đặc biệt cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc 12 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; triển khai thực hiện Chỉ thị 42 ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống thiên tai; tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ cấp huyện; xây dựng lực lượng xung kích hộ đê tại địa phương bảo đảm phương châm “bốn tại chỗ”; có giải pháp kịp thời triển khai Đề án 1002 về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”; tiếp tục xử lý các các vi phạm pháp luật về đê điều, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu tại địa phương và nhận thức người dân trong công tác bảo vệ đê điều và phòng, chống lụt bão.
Hữu Trình
Ý kiến bạn đọc (0)