Năm Dần nói chuyện hổ
Người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng coi hổ là linh vật làm biểu tượng trên nhiều lĩnh vực đời sống con người. Trong giới nhà binh, vị tướng có sức mạnh phi thường, chiến đấu dũng cảm gọi là “hổ tướng”.
Dưới thời phong kiến, các vua chúa thường lập đấu trường để hổ đấu nhằm giải trí, như Đấu trường Hổ Quyền xây dựng từ thời nhà Nguyễn đến nay là di tích hết sức đặc biệt. Trong nhiều họa tiết được khắc trên Cửu đỉnh, đáng chú ý có hình ảnh về hổ. Ngoài ra, hổ được thể hiện nhiều dưới dạng đắp vữa ở trước các đền miếu, cũng là hình tượng cao quý của việc đỗ đạt.
![]() |
Hổ được coi là “Chúa sơn lâm”. Ảnh Internet |
Trong thành ngữ, tục ngữ, câu đối của dân tộc ta có nhắc nhiều đến hổ như: Cáo mượn oai hùm (cáo đội lốt hổ); Cầm gươm đằng lưỡi, cưỡi hổ đằng đầu; Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn; Dưỡng hổ di họa (nuôi hổ gây hoạ; điệu hổ ly sơn - đưa hổ khỏi núi); Đuổi hùm cửa trước, rước beo cửa sau; Hổ phụ sinh hổ tử (hổ cha sinh hổ con); Miệng hùm gan sứa; Vào hang bắt cọp…
Bên cạnh đó, hổ cũng hoá thân vào những răn dạy thâm thuý: “Hổ vằn ngoài da, người vằn trong bụng” (lòng người khó lường); “Cọp chết để da, người chết để tiếng” (khuyên con người sống phải lưu lại tiếng thơm, để lại giá trị cho đời); “Làm bạn với vua như đùa với hổ”; “Không vào hang cọp sao bắt được cọp con” (đôi khi cần phải mạo hiểm mới thành công); “Toạ sơn xem hổ đấu” (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau để thừa cơ hành động)…
Hình ảnh con cọp cũng đã đi vào hôn nhân. Có những cuộc hôn nhân do cha mẹ định đoạt đã đưa đến sự tan vỡ của đôi vợ chồng trẻ: Cha mẹ em vội tham vàng/ Hang hùm lại ngỡ hang vàng gả con. Hay có những so sánh trong đời sống vợ chồng không phù hợp: Con gái lấy phải chồng già/ Cũng bằng con lợn cọp tha vào rừng; Con gái mà lấy chồng quan/ Nhược bằng để hổ nó mang lên rừng.
Trong tình yêu cũng có những sai lầm, được ví von bằng việc họa hình con hổ: Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm (Vẽ hổ, vẽ da thì dễ, khó vẽ được xương ở bên trong, cũng như biết người biết mặt khó biết được lòng dạ của họ ra sao.
Các thi sĩ thời xưa cũng làm nhiều thơ ca mượn ý về hổ. Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương chọc Chiêu Hổ:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Chiêu Hổ đáp lại:
Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bằng không ai mó
Sao có hùm con bỗng chốc tay?
Người xưa còn mượn con hùm để chỉ những kẻ có quyền thế làm bậy mà vẫn thoát khỏi pháp luật:
“Mèo tha miếng thịt thì đòi,
Hùm tha con lợn, mắt coi trừng trừng
hoặc “Mèo tha miếng thịt xôn xao,
Hùm tha con lợn thì nào thấy chi”
Trong “Truyện Kiều” có câu: “Trướng hùm mở giữa trung quân” để chỉ nơi ở của Từ Hải. Người xưa thường dùng da hùm làm thành cái màn lớn để chủ soái họp bàn với các tướng, nên người sau quen dùng chữ "hổ trướng" để chỉ chỗ làm việc của các tướng soái. Từ Hải được Nguyễn Du miêu tả “Râu hùm hàm én, mày ngài” để chỉ tướng mạo uy dũng phi thường của bậc anh hùng. Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”.
Làm sao kể hết những chuyện về hổ. Tết Nhâm Dần 2022 đến tiễn trâu đi, cọp đáo kiết tường rạng hiển uy. Mừng xuân mới, chúc ai cũng khỏe như cọp, mạnh như chúa sơn lâm, tinh anh như hổ và ngày nào cũng vui như Tết, để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của quê hương, đất nước.
Nguyễn Văn Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)