Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Vững tin trên đường hội nhập
Quốc khánh năm thứ 76.
Bỗng da diết nhớ về những mùa thu kháng chiến, nhớ Mùa thu nay khác rồi trong tiếng ca vui Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Vâng, có một mùa thu, có những ngày thu thật khác.
![]() |
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Samkwang Vina, KCN Quang Châu (Việt Yên). Ảnh: Hữu Trình |
Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ nhất diễn ra trong những ngày Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội. Nhà cách ly nhà. Thôn bản cách ly thôn bản. Xã cách ly xã… Công chức đi làm phải luôn mang theo giấy tờ tùy thân và rất nhiều chứng nhận của cơ quan đang trực, đang đi làm công chuyện. Đúng là cảnh thời chiến. Chưa kịp biết tên nhau, các đại biểu phải họp ngày họp đêm, họp cả thứ Bảy, Chủ nhật, rút ngắn tám ngày so với dự kiến để tập trung sức “chống giặc”. Khác quá!
Đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam tham dự Olympic Vật lý quốc tế (IphO 2021) có 5 em tham gia, tất cả đều xuất sắc giành giải thưởng: Ba huy chương Vàng, hai huy chương Bạc. Đây cũng là sự rất khác của tài năng đất Việt so với những cái khác của những năm trước, rất đáng tự hào.
Trong hội trường Quốc hội, tất cả đại biểu đều đeo khẩu trang. Những nụ cười hay thoáng lo âu đọc qua ánh mắt. Trên diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh công bố: Mặc dù từ đầu năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư uy hiếp đời sống, nền kinh tế nước ta thế nhưng chúng ta đã bình tĩnh chống chọi, kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp...
Điểm qua vài nét, phần nào hình dung được bức tranh kinh tế-xã hội đất nước năm 2021 và những tháng năm này. Đất nước bước vào thập niên thứ ba, thế kỷ XXI với hình ảnh, diện mạo và vị thế mới, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thời kỳ dường như mọi ranh giới quốc gia về kinh tế, khoa học kỹ thuật đã bị san phẳng. Thời kỳ bộc lộ mạnh nhất, rõ nhất những ưu thế vượt trội và những khuyết tật, lồi lõm trong một thế giới… chưa phẳng, đầy mâu thuẫn và bất trắc.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã trang trọng ghi vào Nghị quyết: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế như ngày nay. Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Hội nhập quốc tế, một tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa, không cho phép ai một mình một chợ. Từ cái chợ làng, bước vào siêu thị, bước bước nữa là ra “chợ” quốc tế.
Từ năm 1995, Việt Nam bắt đầu gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á-Âu (ASEM) năm 1998; trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007- đánh dấu sự hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu. Từ đó đến nay, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các lĩnh vực: Tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, cán cân xuất, nhập khẩu…
Ngày nay nói tới hội nhập quốc tế, có người chưa hình dung hết những nhận thức mới trong tư duy của Đảng và Nhà nước ta, tưởng như đó là lẽ đương nhiên, khắc đi khắc đến, nhưng thực ra đó là một quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn hết sức công phu, nghiêm túc, cầu thị, có khi phải trả giá do những sai lầm, thất bại. Tại Đại hội VIII của Đảng, năm 1996, lần đầu nêu khái niệm “Hội nhập kinh tế
quốc tế”. Và phải 15 năm sau, đến Đại hội XI, năm 2011, chúng ta mới mở rộng khái niệm ra thành “Hội nhập quốc tế”. Nói một cách hình tượng rằng con tàu đã ra biển lớn và trải qua nhiều sóng gió, qua những vòng xoáy nghiệt ngã và giờ đây đang vươn xa ra đại dương. Không chỉ hội nhập kinh tế mà còn hội nhập văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Để hội nhập sâu rộng, đúng hướng, cái la bàn định hướng là: Phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, động lực của toàn xã hội. Hòa nhập nhưng không hòa tan. Mở cửa nhưng không để “ruồi muỗi, rác rưởi” theo vào. Đó là nội lực, là bản lĩnh văn hóa của một dân tộc. Điều này Bác Hồ đã nói từ rất sớm. Rằng cái sức mạnh tự thân là quan trọng nhất. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng.
Hành trang mang theo của chàng lực sĩ hội nhập là gì? Phải chăng đó là tinh thần đổi mới sáng tạo. Xin lưu ý là đổi-mới-sáng-tạo, tức là đổi mới ở tầm vóc mới, trình độ mới, có nhà nghiên cứu đề nghị gọi là “đổi mới lần thứ hai”. Phải chăng đó là truyền thống anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng nhân ái, được phát huy trong thời kỳ mới? |
Khi nói hội nhập quốc tế ngày càng trực tiếp, sâu rộng thì điều gì quyết định cho cái chiều sâu, chiều rộng ấy? Hay nói cách khác, hành trang mang theo của chàng lực sĩ hội nhập là gì? Phải chăng đó là tinh thần đổi mới sáng tạo. Xin lưu ý là đổi-mới-sáng-tạo, tức là đổi mới ở tầm vóc mới, trình độ mới, có nhà nghiên cứu đề nghị gọi là “đổi mới lần thứ hai”. Phải chăng đó là truyền thống anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng nhân ái, được phát huy trong thời kỳ mới? Phải chăng đó là vừa khởi động, vừa nhanh chóng vận hành nền kinh tế số, xã hội số? ...
Năm 2021, một năm “sóng to gió cả”, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, với biến thể mới nguy hiểm. Đầu tiên là Bắc Giang, Bắc Ninh với những ổ dịch lớn trong các khu công nghiệp, mức độ lây lan rất nhanh. Sau gần ba tháng kiên cường chống dịch, đến cuối tháng 7, bình yên đã trở lại, niềm vui đã trở về với quê hương chúng ta. Qua đây càng sáng tỏ một điều, bất luận trong hoàn cảnh nào phải luôn kiên định, sáng tạo, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo năng lực của mỗi tổ chức đảng, chính quyền, mỗi người lãnh đạo. Bắc Giang bước vào trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Ta gặp lại tiếng hát sau giờ phút tan ca, gặp lại nụ cười trên môi người công nhân trẻ, dẫu rằng những trắc trở, lo toan còn đó.
Đại dịch bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cũng thật dữ dội. Đầu tháng 7, Hà Nội phải gồng mình chống chọi và cực chẳng đã, Thủ đô cũng thực hiện giãn cách, đường phố vắng hoe. Con số cả nước có trên dưới 8.000 ca nhiễm một ngày, có ngày chạm ngưỡng 10 nghìn ca, thật kinh hoàng, thật là một thử thách nghiệt ngã! Vừa đánh giặc vừa sản xuất. Các công ty lớn vừa khắc phục xong dịch bệnh đã bắt tay ngay vào sản xuất. Trong sáu tháng đầu năm 2021 có hơn 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87.3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt gần 30 tỷ USD. Xuất khẩu của ngành nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2021 cũng tăng mạnh, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên, trong một báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam từ 6,7% xuống 5,8%, do làn sóng Covid-19 lần thứ tư tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế. Đạt tỷ lệ này, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn có thể đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) và có thể quay trở lại mức hơn 6% trong năm tới. Đó là mức độ phục hồi hiếm có trên thế giới. Theo tờ Financial Review của Australia, nhờ hội nhập sâu rộng, nhanh chóng mà Việt Nam có thể trở thành “Công xưởng mới của thế giới” trong tương lai.
Cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 còn trường kỳ. Vừa rồi, trong nguy biến, khi lũ virus SARS-CoVI-2 biến thể, kẻ thù vô hình vô ảnh, thứ vũ khí giết người hàng loạt ấy thẩm thấu trong cộng đồng, mới thấy sức kháng thể của vaccine quan trọng, cấp thiết đến mức nào. Thật xúc động, trong khi chúng ta đang nỗ lực cao nhất đẩy mạnh sản xuất vaccine trong nước, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Nga… đã kịp thời ủng hộ hàng vạn, hàng triệu liều vaccine. Ngay trong thời dịch dã, nông sản chủ lực Việt Nam như rau quả, hạt điều, gạo, cà-phê, đặc biệt là vải thiều ở vùng dịch Bắc Giang vẫn được xuất khẩu với sự ủng hộ tích cực của chính phủ các nước. Độ mở của nền kinh tế đã không bị “đóng” trong những lúc tưởng chừng khó khăn nhất.
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nói tới chủ trương lớn hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”.
Đây là một tổng kết toàn diện, sâu sắc từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua. Hội nhập quốc tế để làm giàu nội lực, để có thêm sức mạnh, giữ trọn biển trời sông núi, vững vàng vượt qua mọi phong ba, bão tốn.
Ý kiến bạn đọc (0)