Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh: Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong
BẮC GIANG – Sáng 11/12, kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh trao đổi, trả lời nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ của ngành.
Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự cho thấy: Số việc, số tiền tồn chuyển kỳ sau ngày càng tăng (năm sau cao hơn năm trước).
Tính đến 30/9/2024 còn tồn đọng 4.161 việc, tương ứng số tiền hơn 1.723 tỷ đồng, tăng 251 việc và 217 tỷ đồng so với năm 2023.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Bích Tần. |
Trao đổi về nguyên nhân của tình trạng trên và những giải pháp để đẩy nhanh việc giải quyết dứt điểm các việc tồn đọng, kéo dài, bà Tần thông tin: Năm 2024, các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang đã thi hành xong 10.706 việc, với số tiền gần 659 tỷ đồng (cao hơn năm 2023 là 332 việc và hơn 134 tỷ đồng).
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ quan thi hành án dân sự tỉnh đã thực hiện đều đạt và vượt các chỉ tiêu do Tổng cục Thi hành án dân sự giao. Tuy nhiên, số lượng việc chưa thi hành xong chuyển kỳ sau vẫn còn lớn (4.161 việc, tương ứng số tiền hơn 1.723 tỷ đồng, tăng 251 việc, tăng hơn 217 tỷ đồng so với năm 2023).
Cục xác định rõ, nguyên nhân số việc, số tiền chuyển kỳ sau tăng so với năm 2023 chủ yếu do khối lượng công việc ngày càng nhiều, phát sinh nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp, có giá trị phải thi hành lớn, tài sản đặc thù.
Việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá khó khăn, kéo dài, trong khi đó biên chế bị cắt giảm, số lượng biên chế thiếu hụt so với biên chế được giao, dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc.
Bà Tần cho biết, thời gian tới Cục sẽ quan tâm chỉ đạo rà soát toàn bộ các vụ việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các vụ việc đã ra quyết định thi hành 1 năm trở lên, các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc còn có khó khăn, vướng mắc.
Tập trung nguồn lực, tăng cường tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự và chính quyền địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc bảo đảm điều kiện thi hành.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ chấp hành viên; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo xử lý những vụ việc phức tạp.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm. Phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, lấy kết quả hoạt động của đơn vị làm thước đo đánh giá chất lượng người đứng đầu.
Ý kiến bạn đọc (0)