Khai thác đất tại núi Khống: Cần tuân thủ quy định
Có thất thoát tài nguyên?
Thời gian qua, Báo Bắc Giang nhận được ý kiến của nhiều người dân thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) về việc khai thác đất đá tại khu vực núi Khống. Quá trình tìm hiểu sự việc, chúng tôi nhiều lần làm việc với lãnh đạo UBND huyện Việt Yên và một số người dân thôn Mỏ Thổ. Đáng tiếc là đại diện Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh (gọi tắt là Công ty Trường Thịnh) từ chối làm việc. Về phía UBND xã Minh Đức, vị Phó Chủ tịch UBND xã không trả lời được những câu hỏi phóng viên nêu với lý do vừa tiếp nhận công tác nên chưa nắm được(?).
![]() |
Khu vực khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh tại núi Khống. |
Qua tìm hiểu, vụ việc cụ thể như sau: Để phục vụ thi công đường vành đai IV và một số dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện Việt Yên, ngày 13/3/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 153/QĐ-UBND (Quyết định 153) cho phép Công ty Trường Thịnh khai thác khoáng sản (đất, đá làm vật liệu san lấp) tại núi Khống. Diện tích được phép khai thác là 5ha, trữ lượng hơn 931 nghìn m3 (trữ lượng được phép đưa vào thiết kế khai thác hơn 893 nghìn m3), thời gian khai thác trong 4 năm kể từ ngày ký giấy phép khai thác.
Theo đúng Quyết định, đến trung tuần tháng 6/2019, Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh phải lắp đặt trạm cân nhưng đến nay (7/2020), khu vực khai thác khoáng sản DN này tại núi Khống vẫn chưa hề có trạm cân nào. |
Trong Quyết định 153 có nhiều nội dung yêu cầu DN phải có trách nhiệm thực hiện nhưng đến nay Công ty Trường Thịnh vẫn chưa triển khai. Đơn cử, tại khoản 5 - điều 2 ghi rõ: “Hoàn thành lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định này; lắp đặt camera giám sát tại khu vực khai thác để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Không sử dụng phương tiện cơi nới thành thùng, không bốc xúc, vận chuyển quá khổ, quá tải trọng cho phép”.
Theo đúng Quyết định, đến trung tuần tháng 6/2019, Công ty Trường Thịnh phải lắp đặt trạm cân nhưng đến nay (7/2020), khu vực khai thác khoáng sản của DN này tại núi Khống vẫn chưa hề có trạm cân nào. Mặc dù trước đó, ngày 18/7/2019, UBND tỉnh đã có văn bản cho phép Công ty Trường Thịnh được vận chuyển đất đá trong diện tích 800 m2 (thuộc ranh giới được phép khai thác) với khối lượng 3.500 m3 để tạo mặt bằng thi công trạm cân. Việc không có trạm cân khiến nhiều người đặt câu hỏi, hoạt động quản lý khai thác khoáng sản đối với Công ty Trường Thịnh như thế nào? Cơ quan chức năng căn cứ vào đâu để giám sát, đo đếm khối lượng? Có hay không việc thất thoát khoáng sản, đất đá? Được biết, công suất khai thác của DN được chia làm 4 năm: Năm thứ 1: 480 nghìn m3, năm thứ 2: 320 nghìn m3, năm thứ 3: 50 nghìn m3 và năm thứ 4: Hơn 43 nghìn m3. Hiện nay, Công ty Trường Thịnh chỉ đơn thuần thông báo thời gian, số lượng phương tiện tham gia khai thác, tuyến đường vận chuyển.
![]() |
Cận cảnh công trường khai thác đất đá. |
Người dân thôn Mỏ Thổ còn phản ánh, quá trình khai thác, vận chuyển đất đá có nhiều hoạt động không đúng quy định. Ông Nguyễn Châu Nga và nhiều người khác cung cấp cho phóng viên những hình ảnh, clip ghi lại nhiều xe ô tô có dấu hiệu quá tải, cơi nới thành thùng chở đất đá từ khu vực khai thác ở núi Khống. Cá biệt, có xe chở đất sang san lấp các công trình dân sinh trên địa bàn huyện Tân Yên, trái với quyết định của UBND tỉnh chỉ được phép phục vụ các dự án hạ tầng kỹ thuật tại huyện Việt Yên.
Sớm giải quyết vướng mắc
Đưa chúng tôi đi tìm hiểu toàn bộ khu vực núi Khống và địa điểm đang bị bóc đất đá, anh Nguyễn Như Khánh và một số người dân thôn Mỏ Thổ bức xúc nói: Hàng chục năm nay, núi Khống được các gia đình người địa phương khai hoang, trồng rừng. Nhưng khi phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án khai thác đất đá làm vật liệu san lấp, UBND huyện Việt Yên xác định đây là rừng sản xuất do UBND xã quản lý và chưa giao cho các hộ dân. Tuy vậy, trong phương án này có 19 hộ lại được hỗ trợ GPMB do nằm trong ranh giới quy hoạch đã được phê duyệt với tổng số tiền hơn 388 triệu đồng (gồm bồi thường tài sản, hoa màu là cây lâu năm trên đất hơn 381 triệu đồng; kinh phí tổ chức thực hiện công tác lập hồ sơ thu hồi đất, phương án GPMB hơn 7,6 triệu đồng).
Những hộ dân liên quan chưa nhất trí với phương án hỗ trợ, đền bù; nhiều người cho rằng việc cho phép khai thác đất đá ở núi Khống không công khai, minh bạch, có thể ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước, cảnh quan, đời sống… nên thời gian đầu khai thác, một số người cản trở thi công và việc vận chuyển đất đá ra khỏi khu vực khai thác.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên thông tin, Công ty Trường Thịnh đã lập phương án hỗ trợ GPMB để thực hiện dự án. UBND huyện đã phê duyệt phương án này và DN tổ chức chi trả bồi thường đến các gia đình, cá nhân liên quan.
Mặc dù UBND huyện đã nhiều lần giải quyết, đối thoại với người dân nhưng hiện nay, các hộ dân ở thôn Mỏ Thổ vẫn tiếp tục phản ánh DN khai thác đất đá làm ảnh hưởng đến khu vực tâm linh, miếu thờ trên đỉnh núi, tự ý chặt phá nhiều cây cối, khoan thăm dò…
Về vấn đề theo người dân phản ánh, trong thời gian khai thác, giữa lực lượng bảo vệ, một số đối tượng lạ mặt (người dân nghi ngờ được thuê) với những người chưa đồng thuận có xảy ra xô xát, gây nguy cơ mất an ninh trật tự, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định sẽ giao Công an huyện xác minh, làm rõ.
Ngoài ra, một số ngôi mộ của các gia đình vẫn chưa được di dời, DN bóc đất đá xung quanh gây ra chênh lệch độ cao lớn, khi người thân thăm viếng mộ gặp rất nhiều khó khăn. Một số hộ sinh sống gần điểm khai thác luôn trong tình trạng thấp thỏm vì chỉ cần mưa lớn, đất núi, nhiều tảng đá to có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.
Những vướng mắc này đề nghị UBND huyện Việt Yên, UBND xã Minh Đức và Công ty Trường Thịnh khẩn trương phối hợp giải quyết, bảo đảm đúng quy định pháp luật, ổn định đời sống nhân dân.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)