Hoa râm bụt
“Con cháu đâu cả mà cụ cứ phải ra chợ. Kệ chúng nó chứ. Lười thì nhịn. Già chỉ có nghỉ ngơi”. Một bà xoe xóe.
“Cụ ấy là thương binh đấy, nghe nói nổi tiếng khắp vùng, giặc nghe tên cụ đã vãi linh hồn, sĩ quan tá tiếc gì ấy. Lương cao”. Một bà tiếp lời.
“Đúng là thân làm tội đời”.
![]() |
Minh họa: ĐINH HƯƠNG |
Cụ Ang mủm mỉm cười. Ra ngoài, cụ vốn ít lời. Ai hỏi, chỉ ừ hữ đôi ba tiếng. Ai chào, chỉ cười, gật đầu. Ăn mặc xuềnh xoàng. Hôm bộ quân phục cũ kỹ. Hôm mặc quần xanh áo chàm. Hôm đóng cả quần áo ngủ. Trông cụ như một nông dân thuần chất ở vùng lũ lụt chứ chẳng phải chiến binh nổi tiếng mà một thời báo chí đã ngợi ca.
Người bán thực phẩm ở chợ cứ tíu tít mời chào cụ. Ấy là vì cụ không biết mặc cả, bảo sao trả vậy, mà cũng chẳng rành thứ ngon thứ không, tốt xấu ra sao. Nhưng cũng may ở chợ đa phần là người tử tế, không nỡ để cụ thiệt thòi mà mang tiếng về mình. Nhiều bà, nhiều chị còn sấn sổ mua giúp cụ.
Đúng là nửa tháng nay, hằng ngày cụ đều đặn ra chợ mua đồ ăn thức uống, chứ trước kia là Phúc - con dâu cụ làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Chả biết cụ từ đâu về. Chỉ biết hiện giờ cụ ở với vợ chồng con trai út, con trưởng ở thủ đô. Vợ cụ mất đã lâu trước khi cụ về đây.
Nhà cụ ở lảnh cuối phố, gần khu đất trống. Tiếng là mang tên tổ dân phố nhưng khu dân cư này vẫn là nửa quê nửa tỉnh. Những dãy nhà tầng san sát bên mặt đường nhựa bóng loáng từ xóm cũ ra đường tỉnh rõ là thị thành nhưng các nhà ngói lác đác lạc lõng xen lẫn các nhà cao tầng từ trước ở ngõ ngách chật hẹp vẫn là làng quê. Tổ dân phố này mới có hai năm nay khi thành phố mở rộng địa dư gồm người cũ của thôn thêm mấy chục hộ từ nơi khác chuyển đến đa phần là trong nội thành. Gia đình cụ Ang mới đến đây độ dăm tháng.
Nhà ba tầng của cụ khá rộng rãi, mua lại của một người đang xây dở dang phải đột ngột vào Nam ở với con, có tường cổng là rặng cây râm bụt. Cả khu dân cư đây chỉ duy nhất có tường cây như thế.
***
Tôi đến chơi khi cụ đang ngồi tư lự bên bình hoa cắm nhiều cành râm bụt. Hàng xóm bảo cụ này có tính lạ, bao hoa đẹp, thơm chả chuộng lại chuộng thứ hoa nhà quê được màu mà không hương; có đầy ở công viên thành phố, thứ hoa mà ví thử biếu cho cũng chẳng ai nhận.
“Cụ đang suy tư điều gì ấy?”
Cụ khẽ khàng:
“Tôi đang suy nghĩ sao hoa này lại có tên râm bụt. Anh có biết không? Chẳng lẽ là ông bụt tỏa bóng râm? Tôi dốt món chữ nghĩa. Ngày xưa mới học hết cấp hai là đi bộ đội”.
Giọng cụ khò khè. Tôi chợt nhận thấy mấy vết sẹo trên ngực khi cụ cúi xuống gầm bàn. Hẳn là trên người cụ có nhiều vết thương lắm.
“Cụ vẫn khỏe chứ ạ?”
“Ừ tôi khỏe. Lúc khỏe, lúc yếu. Cứ như người giả vờ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khỏe tinh thần. Phải không anh?” Cụ khẽ cười.
Tôi vui vì cụ đã hồ hởi trò chuyện.
“Cháu đi học vẫn chưa về hả cụ?”
“Nó học thêm, phải giữa trưa mới tan lớp. Nhà vắng con cháu một lúc cũng thấy buồn”.
Quả đúng vậy. Hiện chỉ có cụ với đứa cháu thứ hai đang đi học. Đứa cháu đầu học đại học tại thủ đô, ở với bác, thỉnh thoảng trong tháng mới về.
Tôi buột miệng:
“Mấy tháng nay không thấy anh Công về?”
“Bộ đội biên phòng mà, chốt chặn tại biên giới không cho nhập cảnh trái phép. Đang mùa dịch này, vất vả lắm”. Cụ thủng thẳng nói trong khi vẫn lùa tay chuyển đổi những cành hoa trước mặt.
Tôi ái ngại:
“Giá chị Phúc ở nhà thì đỡ cho cụ. Chị ấy bao giờ về ạ?”
“Chắc là phải xong việc. Nhà có công việc nặng nhọc gì đâu mà vất vả ngoài hai bữa cơm".
Phúc trong đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh đi chống dịch Covid-19. Chị đi nửa tháng rồi, thỉnh thoảng vài ba ngày mới điện thoại về. Cũng vất vả suốt ngày đêm. Vậy là cả hai vợ chồng cùng trong trận tuyến chống dịch bao ngày nay.
"Cụ ốm yếu thế này lẽ ra chị Phúc..." Tôi biết lỡ miệng nên im bặt. Thực tình tôi ái ngại về cảnh cụ. Cụ thương binh, già yếu mà con trai đằng đẵng trên biên giới chống dịch thì Phúc ở lại cũng phải...
Cụ cau mày nhìn tôi với vẻ khó chịu.
"Lẽ, lẽ cái gì!"... Cụ khẽ gắt rồi không nói gì nữa. Lát sau cụ bình tâm, dường như biết nặng lời với anh giáo cùng dãy đường với mình, đã dịu giọng:
"Bây giờ chống dịch như chống giặc. Đảng kêu gọi, mọi người phải đồng tâm, đồng sức. Ai cũng phải vì nước vì dân, anh ạ".
"Anh giám đốc phân vân lưỡng lự khi cử cái Phúc nhà tôi vào tâm dịch vì biết chồng nó đã nhiều ngày chống dịch trên biên giới, bố lại là thương binh ốm yếu. Con dâu tôi chỉ áy náy về tôi. Tôi bảo, đi là đi không phải lo nghĩ gì ở nhà. Xưa có câu đâu có giặc thì ta cứ đi, bây giờ đâu có dịch ta cứ đi theo lệnh để diệt bằng được. Nó áy náy cũng vì tôi có trận ốm. Tôi nói, bố khỏe thật rồi. Thực tình, tôi đã khỏe hẳn đâu. Anh tính, tôi mười mấy vết thương trong người, nặng nhất ở bàn chân tưởng bị nát, đứt gân, rồi đến chỗ ngực, chỗ cổ. Mà thôi, kể làm gì..." Giọng cụ càng về cuối càng yếu dần.
Tôi để ý từ nãy đến giờ trong lúc trò chuyện cụ vẫn loay hoay sắp xếp các cành hoa râm bụt với các màu xanh, đỏ, tím, vàng. Chả hiểu cụ kiếm đâu ra các loại hoa râm bụt như thế.
"Quê tôi nhiều nhà đều có hàng rào cây râm bụt, chỉ tội có mỗi màu đỏ, đôi nhà là hàng rào bằng cúc tần. Có người bảo, hoa râm bụt là hồn quê, bình dị, chân chất rồi những gỉ những gì nữa. Họ nói hay lắm. Tôi chỉ biết nó được mọi người ở làng yêu thích...
Anh có biết tôi đang cố xếp hình gì trên lọ hoa này không ? Anh để ý nhé, bốn phía là hoa đỏ, ở giữa là bông vàng. Ý tôi là muốn tạo lá cờ Tổ quốc. Nếu toàn hoa thì xếp dễ đằng này vướng cành những lá là lá nên khó quá".
Cụ nói khe khẽ cứ như độc thoại hoặc đang giãi bày với những cành hoa trước mặt. Tôi chăm chăm nhìn một cành hoa màu đỏ mà cụ vừa nhấc lên bỗng thấy thân thương đến lạ. Tôi xin cụ một cành hoa khi trở lại nhàn.
Ý kiến bạn đọc (0)