Hiệp Hòa dẫn đầu kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh: Bứt phá về chất lượng giáo dục mũi nhọn
|
Đổi mới phương pháp
Năm học 2018-2019, trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, huyện Hiệp Hòa giữ vị trí thứ nhất, vượt kế hoạch đề ra là đứng trong tốp 3. Toàn huyện có 53/72 em đi thi đoạt giải, trong đó 4 giải Nhất thuộc về các môn: Hóa học (2 em), Toán, Ngữ văn, mỗi môn có 1 em. Một số bộ môn có thành tích nổi trội như: Vật lý: 7/8 em đoạt giải; Toán: 6/8 em; Tiếng Anh: 6/8 em.
![]() |
Em Dương Thu Phương, giải Nhất tỉnh môn Toán lớp 9 trong giờ học. |
Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện cho biết, đây là tin vui với địa phương bởi những năm trước, chất lượng giáo dục mũi nhọn của huyện không ổn định. Từng là đơn vị dẫn đầu tỉnh trong năm học 2013-2014 song đến năm học 2017-2018 lại xếp thứ 5/10 huyện, TP.
“Xác định việc đổi mới phương pháp giáo dục là yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng dạy và học, chúng tôi quán triệt tới các nhà trường, giáo viên tập trung tối đa thực hiện nhiệm vụ này”, ông Thảo nhấn mạnh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, ở xa trung tâm thị trấn song những năm gần đây phong trào thi đua đổi mới phương pháp giảng dạy ở Trường Tiểu học và THCS Đồng Tân được giáo viên, học sinh hưởng ứng. Trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh vừa qua, trường có em Nguyễn Thị Minh Phương, lớp 9 đoạt giải Nhất môn Hóa học.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Văn Hanh, Hiệu trưởng nói: "Cách truyền thụ kiến thức theo kiểu thụ động trước đây đã không còn hiệu quả trong môi trường giáo dục hiện nay. Vì thế, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên căn cứ vào mức độ nhận thức của học sinh để xây dựng khung kiến thức, soạn giáo án phù hợp. Với cùng một dạng bài, thầy cô bộ môn thiết kế hệ thống câu hỏi và đề minh họa, sau đó gợi ý, hướng dẫn để các em tự nghiên cứu, tìm ra lời giải nhanh, ngắn gọn, hợp lý nhất".
Còn tại Trường THCS Thường Thắng, để nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo của thầy và trò, nhà trường phát động phong trào dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn. Trong mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn hằng tuần, các tổ bộ môn cùng trao đổi, phát huy tính sáng tạo tập thể để thầy cô tổ chức giờ học hiệu quả hơn. Khi nhân rộng, dựa trên khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh để điều chỉnh phương pháp giảng dạy.
![]() |
Trường THCS Hoàng Thanh được đầu tư khang trang. |
“Phương pháp này giúp chúng tôi từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, linh hoạt trong biên soạn giáo án, kết hợp sử dụng tranh ảnh, các thiết bị, đồ dùng dạy học. Riêng với môn Ngữ văn, để các em sáng tạo, rèn khả năng tư duy cần phải sử dụng kiến thức của rất nhiều môn, đặc biệt là vận dụng hiểu biết xã hội trong giải quyết một vấn đề đặt ra”, thầy Ngọ Văn Dũng, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn cho biết.
Tăng cường điều kiện thiết yếu, thu hút học sinh giỏi
Từng đứng ở vị trí dẫn đầu 10 huyện, TP về chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi song mấy năm vừa qua, giáo dục mũi nhọn ở Hiệp Hòa giảm về số lượng, chất lượng. Trong nhiều nguyên nhân thì khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại trường trọng điểm là một yếu tố. Vì thế, trên cơ sở rà soát điều kiện thực tế của các nhà trường, UBND huyện tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp phòng học, mua sắm đồ dùng.
Nổi bật là Trường THCS thị trấn Thắng được đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ ngân sách tăng cường cơ sở vật chất, giải quyết dứt điểm bài toán thiếu phòng học, phòng chức năng. Đây là cơ sở giáo dục đầu tiên xây dựng thành công khu nhà ở bán trú với 15 phòng ngủ (150 giường), bếp ăn khang trang, hợp vệ sinh.
Năm học 2018-2019, trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, huyện Hiệp Hòa trở lại vị trí thứ nhất, vượt kế hoạch đề ra là đứng trong tốp 3. Toàn huyện có 53/72 em đi thi đoạt giải, trong đó 4 giải nhất thuộc về các môn: Hóa học (2 em), Toán, Ngữ văn, mỗi môn có 1 em. |
Với cách làm này, Trường THCS thị trấn Thắng thu hút nhiều học sinh từ các xã về ôn luyện trong đội tuyển học sinh giỏi. Phụ huynh quyên góp và vận động doanh nghiệp tài trợ chi phí đưa đón học sinh trong ngày, không còn tình trạng học sinh vì khoảng cách xa xôi mà phải bỏ đội tuyển.
Em Dương Thu Phương, lớp 9A2 chia sẻ: “Nhà em ở thôn Đại Đồng, xã Danh Thắng, cách Trường THCS thị trấn Thắng hơn 5 km. Trước đây em phải đi về mỗi ngày 4 lượt (sáng - trưa; chiều - tối). Từ tháng 11-2018 đến nay, em ở lại nhà bán trú có thời gian nghỉ trưa để chiều tiếp tục theo học”. Trong kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh vừa qua Phương đạt 18 điểm môn Toán, cao nhất tỉnh.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện: Để giữ vững mục tiêu trong tốp đầu về chất lượng giáo dục mũi nhọn thời gian tới, huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học huyện tuyên dương, động viên các thầy giáo, cô giáo, học sinh xuất sắc; tăng cường huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân, cha mẹ học sinh ủng hộ tạo nguồn lực gây quỹ phát triển tài năng. Tiếp tục quan tâm công tác tạo nguồn thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học; kiểm tra đánh giá để tuyển chọn học sinh năng khiếu từ các lớp đầu cấp phục vụ công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)