Giải mã hiện tượng "hào quang mặt trời" đang gây sốt trên mạng xã hội
Nhiều bức ảnh chụp "hào quang mặt trời" được lan tỏa trên mạng xã hội những ngày gần đây thực chất là hiện tượng "Quầng mặt trời" hay tiếng Anh là "Sun halo".
Trong những ngày vừa qua, nhiều bức ảnh chụp bầu trời ở miền Bắc có một vòng tròn bao xung quanh mặt trời, trùng với dịp cung rước xá lợi Đức Phật, đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và thu hút sự quan tâm, bình luận trên mạng xã hội.
![]() |
Hào quang mặt trời xuất hiện tại Hà Nam trước ngày cung rước, tôn trí xá lợi Đức Phật. |
Đại diện Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hiện tượng trên được gọi là "Quầng mặt trời" hay tiếng Anh là "Sun halo", thường xuất hiện vào những ngày thời tiết tốt, bầu trời được che phủ bởi một lớp mây mỏng có tên là mây Cs. Đây là lớp mây rất mỏng, trong suốt, tồn tại ở độ cao trung bình 6-8 km so với mặt đất và được cấu tạo bởi những tinh thể nước đá.
"Quầng mặt trời" được hình thành như một hiện tượng khúc xạ ánh sáng khi chiếu qua lớp tinh thể nước đá này. Nó khác với cầu vồng là hiện tượng khúc xạ ánh sáng qua bầu khí quyển nhiều những hạt nước. Bán kính của hình tròn tương ứng với quầng mặt trời là 22 độ góc tính từ mắt nhìn của chúng ta. Vậy nên nó còn được gọi là "hào quang 22 độ", đại diện Cục Khí tượng thủy văn lý giải.
Cũng theo chuyên gia khí tượng, hiện tượng "quầng mặt trời" đôi lúc vẫn quan sát thấy ở Việt Nam và không phải là dấu hiệu gì bất thường trong tự nhiên.
Ý kiến bạn đọc (0)