Gia phong ở Thổ Hà
Thứ 2: 14:21 ngày 23/06/2014
(BGĐT) - Thời phong kiến, làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) từng được vua ban sắc “Mỹ tục khả phong”. Ngày nay trước tác động mạnh mẽ của lối sống hiện đại, người dân nơi đây vẫn bảo lưu được truyền thống lễ giáo, gia phong tốt đẹp.
Đại gia đình nhiều thế hệ
Xu hướng của cuộc sống hiện nay khiến nhiều gia đình tách nhỏ theo mô hình ít thế hệ. Đối nghịch với điều này, tại Thổ Hà không khó để tìm thấy những gia đình "tam, tứ đại đồng đường” chung sống hòa thuận.
Theo nhận xét của ông Trịnh Đắc Hạ (63 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn, đời sống kinh tế ở Thổ Hà cao hơn so với khu vực lân cận nhưng số lượng gia đình ba, bốn thế hệ vẫn còn nhiều, chiếm gần 80%. Điều này cho thấy, dù kinh tế phát triển đến đâu thì nét đẹp truyền thống, đạo đức, lối sống gia đình vẫn được người dân nơi đây giữ vững. Gia đình ông Hạ đang sở hữu một xưởng chế biến gỗ lớn nhưng nhiều năm nay duy trì được ba thế hệ "ăn chung nồi” (gồm: ông bà, vợ chồng con trai và các cháu).
Niềm vui của đôi vợ chồng già là hàng ngày được chăm sóc, dạy bảo các cháu, có thời gian phụ giúp con bếp núc. Căn nhà cạnh bến sông Cầu của gia đình ông được cất cao hơn, ngăn làm nhiều phòng để đáp ứng nhu cầu chỗ ở. Những khi nhà có việc, con cháu mỗi người một việc xúm vào, không khí gia đình ấm cúng hơn. Tình cảm giữa mẹ chồng, nàng dâu chưa bao giờ xảy ra những xung đột bởi cách cư xử đúng mực và có sự thông cảm, chia sẻ của mỗi bên.

Một gia đình nhiều thế hệ sống chung tại làng Thổ Hà. Ảnh: ĐQ
Đại gia đình của cụ Trịnh Đắc Thông (83 tuổi) và Nguyễn Thị Nhuần (80 tuổi) hiện có bốn thế hệ gồm hai cụ, vợ chồng con trai cả, vợ chồng cháu và các chắt, tất cả 8 con người ở chung nhưng hiếm khi xảy ra to tiếng. Sự đoàn kết, hòa thuận giữa các thành viên là lý do để hai cụ sống trường thọ, vui vẻ.
Với sự minh mẫn, cụ Thông tự hào chia sẻ: "Bát đũa còn có khi xô huống chi con người, ai cũng có công việc, sở thích, tính cách và suy nghĩ riêng nên tránh sao khỏi những lúc va chạm. Tuy nhiên làm sao để va chạm ấy không căng thẳng, không gây mất đoàn kết mới là điều mà bậc làm cha, làm mẹ phải suy nghĩ.
Để không khí gia đình hòa thuận, người bề trên phải mẫu mực làm gương, là trụ cột vững chắc để duy trì tôn ti trật tự. Bố dạy con điều hay, con lại dạy cháu lẽ phải, cứ theo cái khuôn ấy thì không bao giờ lo gia phong bị mai một. Con cháu có sai thì bề trên dạy bảo đến nơi đến chốn, ngược lại cha mẹ cũng không được cậy quyền, bảo thủ mà áp đặt mọi chuyện. Phải biết phân biệt đúng sai, lắng nghe tâm tư và hiểu tâm lý của từng người mới dễ dàng giải quyết”.
Nơi chia sẻ yêu thương
Người dân Thổ Hà quanh năm tất bật với nghề làm bánh đa nem, mang danh là làng, lại ở nông thôn nhưng không có đất nông nghiệp, với diện tích chỉ 0,2 km2 mà có hơn 900 hộ với 4 nghìn nhân khẩu chung sống. Đây là nguyên nhân khách quan khiến bao đời nay các gia đình ở Thổ Hà không tách nhỏ mà sống chung nhiều thế hệ. Đổi lại đó cũng là điều kiện để người dân sống đoàn kết và bảo lưu được những giá trị văn hóa, đạo đức gia phong.

Nét cổ kính và nghề phụ của làng Thổ Hà luôn thu hút khách du lịch. Ảnh: HÀ MI
Đánh giá về mô hình gia đình nhiều thế hệ, ông Hạ cho biết: Sống đông thế hệ có nhiều tác dụng, nhất là về mặt tình cảm. Mọi người có thể dễ dàng động viên, chia sẻ hỗ trợ nhau cả về vật chất lẫn tinh thần, đó cũng là cách để giảm các nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội. Người cao tuổi được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng, không khí gia đình đông vui sẽ giúp các cụ sống khỏe hơn.
Ngoài ra, khi ở cùng ông bà, cha mẹ, con cháu được giáo dục toàn diện hơn về lối sống, đạo đức, đối nhân xử thế, được truyền dạy kinh nghiệm sống, phong tục, tập quán, thói quen giao tiếp ứng xử tốt đẹp. Ý thức ấy ngày càng được bồi đắp, là gốc rễ để tạo sự đoàn kết, phát huy thuần phong. Quan trọng hơn, lòng yêu thương, gắn bó, sự quan tâm của các thành viên gia đình là sợi dây gắn kết mọi người với nhau.
Để minh chứng cho những nhận xét trên, ông Hạ cho rằng: Dù không gian sống chật chội nhưng không ai ở đây muốn chuyển đi nơi khác. Tình làng nghĩa xóm ở Thổ Hà được vun đắp, không ít người làm ăn xa khi tuổi xế bóng đều muốn quay về làng sinh sống, du khách đến đây đều có chung nhận xét, đời sống sinh hoạt văn hóa hơn nhiều nơi khác.
Điển hình nhất là lễ hội xuân khá quy mô và được đánh giá là một trong những lễ hội mẫu mực nhất Việt Nam mà dân làng duy trì bao đời này. Theo đó, các xóm thay nhau đăng cai, kinh phí không nhỏ, mất cả tháng để tập luyện, chuẩn bị, nếu không có sự đoàn kết góp sức, góp công góp tiền của mỗi gia đình thì khó có thể bảo tồn nét đẹp văn hóa này. Đó chính là ý thức giữ gìn truyền thống từ mỗi cá nhân, gia đình và dòng họ.
Đắc Thụ - Đỗ Quyên
Chủ đề:
Ý kiến bạn đọc (0)