Gần dân, vì dân phục vụ
Đầu giờ chiều, chị Lý Thị Thắm (SN 1981), dân tộc Sán Dìu, ở thôn Giành Cũ đến Công an xã Quý Sơn (Lục Ngạn) để điều chỉnh thông tin cá nhân trong giấy tờ. Chỉ trong thời gian ngắn chị đã hoàn thành yêu cầu và được Công an xã xác nhận. Cầm tờ giấy vừa được đóng dấu, chị Thắm nói: “Tôi không nghĩ công việc thuận lợi và nhanh chóng như vậy. Các cán bộ công an xã giúp đỡ tôi nhiệt tình, chu đáo, quá trình tiếp xúc lại thân thiện”.
![]() |
Công an xã Quý Sơn (Lục Ngạn) giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân nhanh chóng, thuận tiện. |
Được biết, Công an xã Quý Sơn còn nhiều khó khăn do khu vực làm việc là những căn phòng cũ được tận dụng, chưa có trụ sở mới. Trong khi đó địa bàn xã rộng hơn 4 nghìn ha với 25 thôn bản, địa hình đồi núi, dân số hơn 20 nghìn người, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, giáp ranh với một số khu vực phức tạp về an ninh trật tự.
Đại úy Trương An Ninh, Trưởng Công an xã cho biết, với đặc thù đó, Công an xã thường xuyên tham mưu với Đảng ủy, UBND xã về công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cán bộ công an tỏa về các chi bộ, thôn, bản để cùng dự sinh hoạt, gặp gỡ nhân dân, tiếp nhận góp ý xây dựng lực lượng công an xã. Thông qua đó xây dựng và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đến nay, xã Quý Sơn đang duy trì hoạt động 38 mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự với nhiều hình thức đa dạng. Điển hình là nhóm Zalo giữa công an xã với các ngành, đoàn thể và nhân dân; nhóm camera an ninh; cụm an ninh giáp ranh; tổ tự quản về an ninh trật tự…
Trong năm 2023, Công an xã phối hợp giải quyết 4 vụ trộm cắp tài sản, 2 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ đánh bạc; nhắc nhở, giải tán 8 nhóm thanh, thiếu niên có biểu hiện tụ tập gây rối trật tự công cộng; gọi hỏi 14 đối tượng hình sự; quản lý 15 đối tượng nghiện ma túy; xử lý 3 vụ, 8 đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy…
Với Công an xã Bắc Lũng (Lục Nam), công tác giữ vững an ninh nông thôn được đặt lên hàng đầu. Để tạo sự tin yêu trong nhân dân, đơn vị tập trung xây dựng mô hình “Công an xã thân thiện, phục vụ, kỷ cương”. Điểm nổi bật là trong “chiến dịch” triển khai thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, từng cán bộ, chiến sĩ không quản ngày đêm đến từng nhà, gọi từng người để bảo đảm tiến độ. Đến nay, 100% công dân có mặt trên địa bàn xã đã đi làm căn cước công dân và 99% đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử, dẫn đầu chỉ tiêu huyện giao.
Ghi nhận những nỗ lực của lực lượng công an xã, vừa qua, Bộ Công an tặng Bằng khen cho 4 công an xã của tỉnh Bắc Giang gồm: Quý Sơn (Lục Ngạn), Bắc Lũng (Lục Nam), Đại Hóa (Tân Yên), thị trấn Bích Động (Việt Yên) và 4 cá nhân. |
Những nỗ lực của Công an xã được chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận. Đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Lũng cho hay: “Công an xã hoạt động bài bản, chính quy nên giúp xã giữ vững an ninh trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm lao động, sản xuất”.
Công an xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để chuyển tải thông tin nhanh chóng đến người dân. Đặc biệt, Công an xã hòa giải thành công 5 vụ mâu thuẫn trong nhân dân, không để phát sinh điểm nóng ở khu vực nông thôn”.
Thực tế hoạt động đã xuất hiện nhiều việc làm vì dân của lực lượng công an xã. Liên tục gần đây, nhiều đồng chí đã ngăn chặn thành công các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân. Điển hình trong hai ngày 16 và 17/11, Công an xã Tiên Lục (Lạng Giang) liên tiếp ngăn chặn thành công hai vụ lừa đảo trên không gian mạng, giúp ông Nguyễn Đình Vạn (SN 1970) và bà Nguyễn Thị Thúy (SN 1961), cùng trú tại thôn Ngoẹn không chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an T.Ư và Chỉ thị số 11/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công an các xã, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức hơn 2 nghìn cuộc hội nghị “Lắng nghe ý kiến nhân dân” gắn với sinh hoạt chi bộ thôn, bản, tổ dân phố mở rộng. Qua đó thu nhận gần 5 nghìn ý kiến của cán bộ, nhân dân đóng góp cho lực lượng công an. Về phía địa phương, các xã, thị trấn quan tâm, hỗ trợ xây dựng 120 trụ sở làm việc cho công an xã với tổng kinh phí lên đến 504 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Công an tỉnh đã xây dựng 3 mô hình: “Công an xã, phường, thị trấn tận tụy, gắn bó, thân thiện vì nhân dân phục vụ”; “Cải cách hành chính”; “Công an xã, phường, thị trấn kiểu mẫu chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân”. Từ khi triển khai đã tạo được những chuyến biến tích cực.
Hướng tới sự thống nhất, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, cuối năm 2022, Công an tỉnh sáp nhập 3 mô hình thành một mô hình duy nhất với tên gọi “Công an xã, phường, thị trấn Thân thiện - Phục vụ - Kỷ cương”. Đến nay đã nhân rộng tại 100% công an cấp xã trên địa bàn tỉnh. Qua mô hình này đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc, phát huy tinh thần tận tuỵ, vì nhân dân phục vụ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ trong lực lượng Công an nhân dân tại cơ sở.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)