Đôi mắt trong mưa
Những ẩn ức sâu xa, những liên tưởng đời thường tưởng như vụn vặt, mơ hồ của người phụ nữ đã đánh thức người đọc về sự quý giá của sinh mạng, của những phút giây được sống làm người... Đời sống sẽ không còn vẻ đẹp nếu không có lòng trắc ẩn của con người. Đôi mắt mèo của cô bé kia ở đâu? Hay chính là đôi mắt để chúng ta nhìn sâu vào tâm hồn mình?
![]() |
Minh họa: Đinh Hương |
Cả đêm, tôi cõng con mèo nhỏ trên lưng. Nó ốm nhách, rên gừ gừ từng tiếng nhỏ, có lúc tiếng rên như ngừng lại. Sợ nó rơi xuống lúc nào không biết, tôi buộc một sợi dây ni-lông màu đỏ từ cổ nó vào cổ mình. Và tôi bước đi, lặng lẽ, từ tốn, từng bước một trên mặt đất. Cách đi của một người hành thiền. Tôi đi qua những rặng đồi im lìm nằm trong bóng tối. Trăng hạ huyền mờ ảo làm nhòe hết các bóng cây. Dường như các linh hồn đều đã ngủ. Lúc này, dù có mùi hương trầm thật quyến rũ chắc cũng không dụ được linh hồn nào rong chơi. Tất cả im ắng khác lạ. Tôi vẫn cảm thấy chút hơi ấm rất mỏng của bé mèo trên lưng mình. Hơi thở của nó xuyên qua áo mỏng, chạm vào lưng tôi như một làn sương mờ, ướt và run rẩy.
Tôi nhằm đập nước đi tới. Mặt nước im phắc như gương soi. Trên bờ đập có mấy cái hang nhỏ ẩm ướt. Bé mèo bỗng tụt xuống, sợi dây thắt chặt cổ nó treo lên. Sợ nó chết, tôi vội vàng gỡ sợi dây, thả nó xuống. Bé mèo của tôi chui ngay vào cái hang đất, ngồi dúm dó trơ hai cái mắt nhìn lên. Đôi mắt buồn bã, mệt mỏi. Hai vệt xanh như hai đốm lửa sắp tàn. Tôi quỳ xuống mô đất ra hiệu cho bé mèo trèo lên lưng để đi tiếp nhưng nó không đáp lại. Tôi xoa đầu nó và buột nói. “Mẹ đi nhé”. Tôi đi như trôi trên mặt hồ, chân không chạm nước. Đi một mạch đến lúc bình minh. Choàng tỉnh. Giấc mơ gì mà lạ lùng.
Nhớ buổi chiều mưa như trút ấy, tôi nằm trên bàn thủ thuật khoa sản của bệnh viện trải ga trắng toát. Cậu y tá cho tôi ngậm một viên thuốc nhỏ dưới lưỡi, dặn ngồi chờ tan hết thuốc sẽ tiêm giảm đau và làm. Tôi ngồi run lên vì sợ hãi. Vừa đấy, hai vợ chồng vui mừng sắp có thêm một đứa con ai dè nó đã bị lưu. Mưa sầm sập trên mái tôn cũng là lúc tôi gồng lên chịu đau đớn để bác sĩ gắp ra khỏi cơ thể mình một phần máu thịt. Nỗi đau chạy dọc sống lưng lên đỉnh đầu buốt nhói. Nước mắt chảy ra không kìm lại được. Có một thiên thần vừa hoài thai đã phải vĩnh biệt sự sống. Từng dây thần kinh như tê liệt, suy sụp một cách thê thảm. Thấy mình đang nằm giữa khoảng đất trống, có hàng ngàn mũi kim từ trên trời phi xuống, cắm vào da thịt buốt nhói. Và nước xối xả đổ lên người… Ngoài kia, có đôi mắt nào đó thẫn thờ bên cửa kính.
Lúc rời bệnh viện lên xe để về, tôi như con mèo già ốm xác xơ, lông dựng đứng lên, rúm ró, lê từng bước lệt bệt. Hầu như người đàn bà nào cũng từng như thế. Không kiếp nạn kiểu này thì kiểu khác, nhất là khi đời mình đã gắn với một người đàn ông nào đó. Có đôi mắt mèo xanh biếc, trong veo vừa đi qua. Con gái nhà ai đó rất ngoan, lễ phép chào. Đêm ấy ngủ, tôi mơ mình ngồi bên bờ sông, lần lượt bế ẵm, vỗ về những đứa bé lấm láp, đói khát. Chúng đến từ thế giới khác. Không biết con nhà ai mà nhiều thế. Có thể chúng là con của những người đàn bà mà hằng ngày mình vẫn giao du. Có đứa của mình, vồ vập, tiếc nuối, rồi rời xa. Nhiều ngày sau đó là ăn chay, niệm Phật hồi hướng cho những linh hồn bất hạnh và cũng giúp cho đàn bà tôi nguôi bớt nỗi đau.
Vừa đấy mà mưa sầm sập, vuốt mặt không kịp. Đường phố hỗn loạn, nháo nhào, mạnh ai nấy đi, xe cộ như ma trận. Ngã tư đèn đỏ không ai đợi. Tôi bỏ áo mưa ra mặc vội rồi cũng lao đi. Nhưng kìa, có một cô bé bán hàng rong đứng nép mình run rẩy cạnh cánh cửa sắt ngay bên ngã tư. Nó cố đứng sát vào tránh mưa, tóc rối bù, áo quần xộc xệch. Tôi đã định đi như bao người, nhưng chợt nghĩ, nếu con mình ở tình cảnh này thì sao. Tôi vòng xe tiến lại gần. Cô bé ngẩng nhìn lên. Chao ôi, đôi mắt của con mèo ốm tôi cõng trong mơ. Nó im lặng, nhếch khóe môi đã khô lên vẻ khó nhọc. Tôi mua mấy gói tăm bông và bảo, cháu đừng phơi mưa, ốm đấy. Tay nó run bắn. “Cháu... chưa... ăn cơm từ... hôm qua” - giọng nó đứt quãng. “Vì không bán được hàng à”? - tôi hỏi. Nó gật đầu. “Giờ cháu sang quán kia ăn đi, cô vội phải đi đây”.
Hai con người mọi ngày vốn ít nói chuyện với nhau bỗng giật mình, nhìn nhau lâu hơn, ngắm kỹ thức ăn trên bàn hơn, nhận ra rõ là mình đang ăn cơm, đầu óc không đuổi theo công việc. Nếu người chẳng còn thì công việc có ích gì đâu. Mà bây giờ, rủi ro không thể biết trước. Hai vợ chồng đi đến quyết định sẽ dành thời gian cho mình nhiều hơn, không sống chết cả ngày đêm dành cho xưởng gỗ như trước nữa. |
Mưa càng to hơn, tôi hòa vào dòng người nháo nhác, nhưng rồi lại nghĩ, không biết mấy chục nghìn nó có ổn không, hay nó bị bệnh gì nhỉ, không biết gia cảnh nó thế nào, hay nó bị bọn người chăn dắt làm công cụ kiếm tiền. Sao nhịn đói tận mấy bữa là sao? Giờ liệu nó có ăn không nhỉ?... Tôi quay xe lại, con bé đang dò dẫm sang đường. Dúi vào tay nó thêm một chút tiền rồi đi, tôi bỗng nghe nó nói: “Cô gì ơi, cô giống mẹ cháu”. “Gì cơ?”- Tôi tò mò về cô bé. Tạt vào cái hiên không, điện thoại hoãn việc, tôi quay lại cùng con bé vào quán bún cua. Quán vắng, nó ngồi run rẩy. Chủ quán ngạc nhiên hết nhìn con bé lại nhìn tôi với bao câu hỏi kỳ quái trong mắt. Người phục vụ nhìn xéo qua cái váy tôi đang mặc rồi nhìn sang bộ dạng con bé. “Kệ họ, con ăn đi, con không ở cùng mẹ à?". “Mẹ con giống cô lắm, mặt tròn, mắt to. Con ở với bà nội, bà già lắm, ở nhà thôi”. “Bố con đâu?". “Bố cũng đi với mẹ”.
Tôi nghĩ mình không nên hỏi nữa, bởi thấy vẻ xa vắng trên khuôn mặt cô bé. Nó ăn một thôi hết bát bún rồi bảo: “Cô đi xe cẩn thận nhé, phải rất cẩn thận, nhìn cô cũng hiền như mẹ con”. “Ừ con có được đi học không?”. “Con có, con học lớp 4, không phải đóng học phí”. “Ai bảo con đi bán tăm, con có sợ không?". “Cũng sợ ạ, nhưng bà con yếu rồi, dạo này các cô chú không cho bà tiền nữa”… Tôi chợt nghĩ, hay nhận cô bé này về xưởng gỗ nhà mình làm lặt vặt gì đó, rồi trả công? Mà trẻ em sao đi làm cho được nhỉ? Điện thoại giục về gấp. Cầm tờ giấy ghi địa chỉ của cô bé rồi đứng dậy, tôi trả tiền bún, rồi đưa nó thêm một chút ngầm cảm ơn câu chuyện của nó. Tôi ngồi lên xe, nó đứng tần ngần nói: “Cô đừng đi vội, dù có bị ai thúc giục, bố mẹ con mất trong một tai nạn giao thông năm nọ trên cái cầu kia đấy cô ạ”. Tôi bỗng khựng lại. Cái cầu chen chúc người trên cao kia ngày nào tôi cũng đi qua mấy bận. Lẽ nào… Trong đầu tôi là cảnh hỗn loạn của vụ tai nạn mà một lần mình gặp, cặp vợ chồng dưới bánh xe công. Tôi đã nôn thốc tháo và ốm mấy ngày liền vì ám ảnh. Người ta bàn tán và kinh hãi mãi, thương xót cho hai người còn trẻ, nghe đâu con họ còn bé tí… Những chấm đen nhỏ xíu trôi qua trước mắt, bỗng hơi chóng mặt, tôi ngồi xuống bậc thềm quán bún.
"Cô sao vậy?". Nó tiến lại hỏi, đôi mắt của nó lúc này mới mênh mang làm sao. Tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt lại. “Ừ, cô sẽ không vội, không bao giờ vội... Cô không sao cả. Cháu có em trai hay em gái?". “Em trai cô ạ, dì cháu đón về nuôi mãi ở miền Trung ”. “Được rồi, hẹn gặp lại cháu nhé, cô bận rồi, cô phải đi”. Nhà xưởng bỗng dưng bị sập một góc, mọi người gọi điện thoại liên hồi, có thể đã bị hỏng máy móc, hoặc ít nhất thiệt hại chỗ hàng vừa gia công. Tôi phải về ngay lập tức. Chồng tôi chui từ xưởng ra lấm lem bùn đất. Nhìn thương quá, muốn ôm một cái nhưng thợ đã đến. Anh càu nhàu: “Em vứt cái điện thoại đi, có việc gọi rát cổ không nghe”. “Thì em về đây rồi”. “May chỉ hỏng ít hàng và cái máy đánh bóng, không ai làm sao, nay mà vợ vẫn lúi húi kiểm hàng như mọi hôm là chết rồi đấy”. “Vậy em ra ngoài tuy về chậm nhưng cũng may rồi, đúng không?". “Ừ”. “Mà biết đâu lại không may, anh đang thích ai đó, không còn em càng dễ”. “Vớ vẩn, có thích ai cũng không người đàn ông nào muốn vợ chết”. “Thế nghĩa là có khả năng anh có ai rồi nhỉ”. “Có ai nữa đây, em đầu óc có vấn đề rồi à”? “Hay em bị sao rồi nhỉ, đêm qua, em mơ cõng một con mèo ốm cả đêm anh ạ, khi nãy…”. “Thôi, nấu cơm đi, con cái là trời cho, em phải quên đi, thương tiếc suy nghĩ mãi nó thế”.
Anh cắt ngang câu chuyện rồi đi với mấy người thợ đo đạc, dọn dẹp xưởng. Tôi chuẩn bị bữa trưa. Lẩn thẩn nghĩ, nếu không gặp mắt mèo trên phố lúc mưa ấy chắc tôi đã về, chui vào góc xưởng ngồi tính toán, kiểm hàng, đóng gói cho khách. Và rất có thể, bây giờ tôi đã nhẹ thì băng bó trên giường bệnh, mà nặng thì hồn đã hóa gió mây… Bữa cơm có mỗi hai vợ chồng, nhưng hôm nay thấy ghế bàn chật hơn, những ý nghĩ về sinh mệnh, về bất trắc chen đầy. Hai con người mọi ngày vốn ít nói chuyện với nhau bỗng giật mình, nhìn nhau lâu hơn, ngắm kỹ thức ăn trên bàn hơn, nhận ra rõ là mình đang ăn cơm, đầu óc không đuổi theo công việc. Nếu người chẳng còn thì công việc có ích gì đâu. Mà bây giờ, rủi ro không thể biết trước. Hai vợ chồng đi đến quyết định sẽ dành thời gian cho mình nhiều hơn, không sống chết cả ngày đêm dành cho xưởng gỗ như trước nữa.
Ngủ một giấc ngăn ngắn để trấn an, tỉnh dậy, thấy ti vi đưa tin về một vụ xâm hại tình dục trẻ em tại phố X… Nạn nhân là trẻ bán hàng rong. Giật mình, tôi mặc vội cái áo nắng rồi phóng xe máy đi. Lòng vòng qua mấy con ngõ quen, đến cái phố X. Người ta bảo vụ ấy lâu rồi, nay tòa mới xử. Tôi xòe tờ giấy ghi địa chỉ cô bé cho đi hỏi khắp nơi, không ai biết. Những người già cũng lắc đầu. Anh cán bộ phường thì bảo, đấy là địa chỉ từ thời củ lỉ rồi, giờ chỗ ấy là siêu thị.
Lạ thật, tôi hỏi thăm về cô bé mắt mèo, không ai biết cô bé đã đi đâu... Tôi lái xe như trôi dưới bóng cây, những dãy nhà xóa nhòa đi ranh giới các con đường nhỏ. Không biết đôi mắt ấy bây giờ ở đâu trên thế gian này? Liệu có khi nào đọc được những dòng tôi viết như thế này không nhỉ?
Ý kiến bạn đọc (0)