Điều trị dậy thì sớm để trẻ phát triển toàn diện
Điều trị thuận lợi, giảm chi phí
Mới gần 7 tuổi song cháu Trịnh Ngọc Q, trú tại phường Tăng Tiến (thị xã Việt Yên) đã cao hơn 1,3 m và có những biểu hiện đặc trưng của tuổi dậy thì, tuyến vú bắt đầu phát triển.
Thấy Q có biểu hiện bất thường, tháng 11/2024, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang khám, được chẩn đoán dậy thì sớm, chỉ định điều trị bằng phương pháp tiêm thuốc kiểm soát hormone sinh dục nhằm làm chậm tốc độ tăng trưởng và quá trình phát triển sinh dục thứ phát. Sau 6 tháng điều trị, tuyến vú của Q không phát triển nữa và chỉ cao thêm 2,5 cm, tương đương với trẻ bình thường.
![]() |
Tiêm thuốc điều trị dậy thì sớm tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. |
Trước đó, tháng 3/2023, thấy con gái 8 tuổi bắt đầu phát triển tuyến vú, chị Đào Thị H, trú tại thị trấn Kép (Lạng Giang) đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương khám, được chỉ định điều trị dậy thì sớm. Từ đó, hằng tháng, chị H phải xin giấy chuyển tuyến rồi đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương làm xét nghiệm nội tiết và tiêm thuốc kiểm soát hormone sinh dục. Từ tháng 11/2024, khi Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang thực hiện kỹ thuật này, chị chuyển cho con về điều trị tại đây, nhờ đó chi phí khám, điều trị và thời gian đi lại giảm đáng kể.
“Sau hơn 2 năm điều trị, các dấu hiệu dậy thì ở cháu không còn xuất hiện, cháu phát triển bình thường và tự tin giao tiếp với các bạn. Dự kiến hết tháng 9/2025, cháu sẽ kết thúc liệu trình điều trị”, chị H cho biết.
Trước đây, mỗi năm, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang làm thủ tục chuyển tuyến ra Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị dậy thì sớm từ 15 đến 20 trẻ 7-10 tuổi. Trước thực trạng này, nhằm giúp các gia đình giảm chi phí đi lại, thuận lợi trong quá trình điều trị, tháng 11/2024, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang chính thức triển khai kỹ thuật điều trị dậy thì sớm.
![]() |
Sau 6 tháng triển khai kỹ thuật điều trị dậy thì sớm, bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang kiểm soát tốt dấu hiệu đặc trưng dậy thì sớm ở trẻ. |
Theo đó, căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ điều chỉnh nồng độ hormone giới tính cho trẻ bằng thuốc đồng vận LHRH hoặc GnRH. Vào cơ thể, thuốc tạo hiệu ứng sinh học trên tuyến yên dẫn đến ngắt tín hiệu từ não đến buồng trứng hoặc tinh hoàn, làm dừng quá trình sản xuất hormone sinh dục, từ đó làm chậm hoặc ngừng các triệu chứng dậy thì sớm.
Việc điều trị sẽ kết thúc khi trẻ được 10 - 11 tuổi hoặc sớm hơn tùy từng trường hợp. Khi dừng quá trình điều trị, hormone sinh dục được cơ thể sản xuất trở lại và quá trình dậy thì bình thường.
Đến nay, sau hơn 6 tháng triển khai, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đang tiếp nhận, điều trị cho 16 trẻ dậy thì sớm, những dấu hiệu đặc trưng của tuổi dậy thì được kiểm soát tốt. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Uyển, Phó Trưởng Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết: “Phác đồ điều trị sẽ được điều chỉnh để phù hợp với từng trẻ song quan trọng nhất là phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, trẻ được chỉ định tiêm thuốc khi phát hiện dậy thì trước 8 tuổi và được theo dõi tuổi xương cho đến khi được 10 hoặc 11 tuổi rồi mới chấm dứt điều trị”.
Theo dõi sát sự phát triển của con
Tuổi dậy thì được tính ở mốc 8-13 tuổi với bé gái và 9-14 tuổi ở bé trai. Khi trẻ có dấu hiệu tăng trưởng về mặt thể chất và các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường được coi là dậy thì sớm.
Biểu hiện ở bé trai bao gồm phát triển chiều cao nhanh, mọc lông mu, xuất hiện mùi cơ thể, thay đổi giọng nói, tăng khối lượng cơ, tinh hoàn và dương vật phát triển nhanh… Trong khi đó, dấu hiệu dậy thì ở các bé gái phổ biến nhất là tuyến vú phát triển, tăng dịch tiết âm đạo, xuất hiện lần kinh nguyệt đầu tiên.
Trẻ dậy thì sớm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý (trẻ có khối u ở buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên hoặc não bộ; các bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, hội chứng di truyền hiếm gặp…) hay do chế độ dinh dưỡng không hợp lý (ăn nhiều các loại thực phẩm có tác dụng kích thích tăng trưởng). Trẻ dậy thì sớm sẽ nhanh cao nhưng chỉ phát triển trong một thời gian ngắn rồi dừng lại do các sụn tăng trưởng đóng sớm.
Dậy thì sớm khiến trẻ thấy mặc cảm, tự ti và lo lắng hơn khi cơ thể có nhiều điểm khác biệt so với bạn bè. Cùng đó, do chưa được hướng dẫn về cách vệ sinh, chăm sóc cơ thể nên trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản; gia tăng nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục.
Theo bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, để tránh cho con dậy thì sớm, các gia đình cần quan tâm đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi của trẻ. Trẻ cần được ăn cân bằng các nhóm dưỡng chất gồm bột đường, đạm, chất xơ, khoáng chất, vi ta min; hạn chế đồ ăn sẵn, tránh uống nước ngọt có ga; tập thể dục, tham gia các hoạt động phát triển thể chất nhằm kích thích tăng chiều cao. Trẻ cũng cần đi ngủ trước 22 giờ bởi quãng thời gian 22 giờ đến 3 giờ sáng, cơ thể tiết hormone giúp trẻ phát triển chiều cao, cân bằng nội tiết.
Cùng đó, các bậc phụ huynh cũng cần lắng nghe, chú ý đến những biểu hiện đặc trưng của tuổi dậy thì, từ đó khéo léo nói chuyện với con về vấn đề giới tính, hướng dẫn con cách vệ sinh, bảo vệ cơ thể.
“Phát hiện, điều trị dậy thì sớm giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu, đồng thời giúp trẻ có sự phát triển sinh lý và tâm lý bình thường, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan. Do đó, khi phát hiện con có biểu hiện bất thường, xuất hiện các dấu hiệu dậy thì sớm, phụ huynh nên bình tĩnh, động viên và đưa con đến bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc nội tiết để bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp với từng trẻ”, bác sĩ Nguyễn Văn Uyển khuyến cáo.
Ý kiến bạn đọc (0)