Điều chỉnh chính sách thu, chi ngân sách Nhà nước
Những thành tựu KT-XH 5 năm 2016-2020 là rất to lớn. Trong những thành tựu đó thì những kết quả trên lĩnh vực tài chính ngân sách là rất quan trọng. Nó là cơ sở để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù còn một số hạn chế, khó khăn, nhất là trong năm 2020, do tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế làm giảm thu, tăng chi NS, một số nội dung cân đối tài chính không bảo đảm.
Bội chi, nợ công gia tăng trở lại nhưng vẫn trong phạm vi an toàn Quốc hội cho phép. Bức tranh tài chính, ngân sách có kém hơn nhưng nhìn tổng thể thì đó là sự cố gắng lớn và vững chắc hơn so với giai đoạn trước.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Lâm phát biểu tại hội trường. |
Với việc không ngừng hoàn thiện các chính sách, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách; thu chi ngân sách được cơ cấu lại; hệ số an toàn về bội chi và nợ công cũng như tái cơ cấu đầu tư công không ngừng cải thiện. (1) Quy mô thu NS 5 năm tăng 1,58 lần; thu nội địa tăng chiếm tới 81,6% (so 68,7% giai đoạn trước), giảm sự phụ thuộc của NS vào tài nguyên và yếu tố bên ngoài; (2) Chi NS đã bước đầu giảm tỷ lệ chi thường xuyên, mặc dù vẫn tăng lương, tăng trợ cấp xã hội; (3) bội chi NS trong 4 năm đầu chỉ 3,5% (so với giai đoạn trước là 5,4%) cả giai đoạn chỉ 3,8%. Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ.
Trong 4 năm đầu, nợ công giảm từ mức 63,7% xuống 55%; nợ Chính phủ từ 52,7% xuống còn 48%; nợ nước ngoài quốc gia từ 49% xuống 47,1% GDP năm 2020. Từ đó mới có dư địa để năm 2020, Chính phủ xử lý, ứng phó với tình hình dịch bệnh phát sinh.
Về một số đề xuất của Chính phủ để xử lý phát sinh trong điều hành NSNN năm 2020 theo tôi là cần thiết và phù hợp. Trong đó có việc tăng bội chi so với dự toán đầu năm, từ 3,44% lên mức 4,99 GDP thậm chí tới 5,59% để bù đắp hụt thu khi thực hiện các chính sách hoãn, giảm, miễn hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời phải bảo đảm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, giữ cho doanh nghiệp, nền kinh tế không bị đổ vỡ, duy trì khả năng phục hồi sau đại dịch.
Về kế hoạch tài chính 5 năm tới cũng như dự toán NSNN năm 2021, tôi cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách. Có một số vấn đề tôi đề nghị cân nhắc, làm rõ thêm như sau:
1. Đối với kế hoạch trung hạn 5 năm, Chính phủ xây dựng dự toán thu có thể quá thận trọng khi đặt mục tiêu huy động 15-16% GDP điều chỉnh (bằng 19-20% GDP chưa điều chỉnh); cao hơn 1,1-1,2 lần so với giai đoạn 2016-2020. Như vậy theo tôi là thấp.
Khi dự báo kinh tế nước ta có thể còn khó khăn trong năm đầu nhiệm kỳ nhưng cả giai đoạn thì được đánh giá là khá sáng sủa, là “ngôi sao đang lên” trong nền kinh tế thế giới, như nhiều nhận định nêu ra. Tỷ lệ này thấp hơn giai đoạn 2016-2020 và thấp hơn trung bình của thế giới cũng như thấp hơn nhiều tốc độ tăng thu bình quân của giai đoạn trước.
Sự thận trọng này có thể làm cho kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng, khi nguồn lực huy động đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng bị thiếu hụt và cũng sẽ rất khó khăn cho cơ cấu lại NS khi các nhu cầu chi thường xuyên vẫn tăng lên về mặt tuyệt đối.
2.Chính sách thu cần phải được điều chỉnh. Thực tế thời gian qua, quá trình hội nhập sâu rộng kinh tế đã làm biến động nhiều tới cơ cấu thu NS, do việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan. Nhưng chính sách thu của nước ta hầu như không có điều chỉnh lớn.
Khả năng huy động vào NS bị giảm tương đối và cũng phát sinh nhiều bất hợp lý, bất bình đẳng trong đóng góp vào NS của các đối tượng thu trong nền kinh tế. Ví dụ như là thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh đầu tư sinh lời lớn, chiếm dụng một nguồn lực kinh tế không nhỏ nhưng chính sách thuế không theo kịp để điều chỉnh, số nộp NS từ lĩnh vực này không tương xứng. Hoặc những chính sách thuế môi trường đang có nhiều bất hợp lý cần phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu gia tăng bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu.
Đối với nguồn thu từ đất. Trong thời gian qua, với chính sách hiện hành nguồn thu này đã hỗ trợ các địa phương đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để sử dụng tối ưu nguồn lực, huy động hợp lý, khai thác bền vững lâu dài thì đây lại đang có vấn đề. Trong khi NS trung ương cơ cấu lại để giảm phụ thuộc vào thu từ tài nguyên, nhưng ngân sách nhiều địa phương lại phụ thuộc lớn vào tiền thu từ tiền sử dụng đất. Thu từ đất cũng không khác so với hút dầu hay xúc than lên bán. Việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên này có thể làm suy giảm nguồn lực dự trữ cho tương lai. Mặt khác sự dễ dãi, lỏng lẻo trong việc khai thác tăng thu từ nguồn này cũng dẫn đến sự dễ dãi trong sử dụng, thậm chí đưa cả vào những dự án chưa thật cần thiết, không hiệu quả gây lãng phí lớn. Đây không chỉ là nguy cơ mà đang rất hiện hữu ở nhiều nơi.
Nhiều dự án đô thị, khu dân cư được lập ra với mục tiêu thu ngân sách tiết giảm tối đa chi phí đầu tư, tiềm ẩn yếu tố tiêu cực, yếu kém về chất lượng thiết kế, quy hoạch, xây dựng gây lãng phí XH lớn. Theo tôi đã đến lúc phải quản lý chặt chẽ cả thu chi đối với nguồn lực này.
3. Đối với chi cũng cần phải tiếp tục thực hiện điều chỉnh chính sách để tiếp tục tái cơ cấu, thực chất hiệu quả hơn, giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên; tăng hiệu quả chi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; thúc đẩy mạnh hơn việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Trong giai đoạn tới, cần phải siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật tài chính; nâng cao chất lượng dự toán, thanh quyết toán, sớm khắc phục tình trạng ngân sách các cấp kết dư, chuyển nguồn lớn, giải ngân đầu tư công chậm chạp, khó khăn trong khi nền kinh tế khát vốn, thì nguồn lực này lại nằm yên trong két sắt. Một sự lãng phí không nhỏ.
4. Vấn đề cuối cùng là từ năm 2021, Chính phủ dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP, sẽ làm tăng quy mô GDP thêm 25,4%. Việc điều chỉnh này sẽ cần thiết để đánh giá sát đúng với thực tế, từ đó có thể ra được quyết định quản lý hiệu quả hơn trong điều hành vĩ mô.
Tuy nhiên, khi thay đổi như vậy thì các chỉ số về an ninh tài chính, nợ công được tính toán lại như thế nào để vẫn bảo đảm vững chắc nền tài chính quốc gia đồng thời có thể tạo ra dư địa lớn hơn để huy động nguồn lực cho phát triển. Đây là vấn đề mà cử tri rất quan tâm, mong Chính phủ làm rõ để nhân dân yên tâm và Quốc hội giám sát được chặt chẽ.
Ý kiến bạn đọc (0)