Chị Xiêm
BẮC GIANG - Mẹ nghiêm mặt tiến lại gần và giật cái điện thoại từ tay tôi: “Không tập trung vào học hành cho cẩn thận, suốt ngày chỉ xem linh tinh rồi thi trượt đấy con ơi...”
Tôi khó chịu, cãi :“Con chỉ học được đến thế thôi. Mà học hành để làm cái gì, thức đêm hôm miệt mài cho nhọc thân ra, rồi cũng đến như chị Xiêm ấy, thi đỗ hai trường đại học vẫn làm công nhân đấy thôi ạ”.
Sau câu nói như mũi dao xoáy vào tim mẹ, tôi có chút hả hê, ngúng nguẩy đi lên gác, bỏ mặc mẹ đứng chôn chân.
![]() |
Minh hoạ: TQ. |
Không hiểu tại sao hai chị em tôi cùng bố mẹ sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà mà tính nết lại khác nhau đến thế. Chị Xiêm hiền lành, nhu mì, chăm ngoan, tự giác, học giỏi từ bé cho đến lớn. Tất tần tật những gì tốt đẹp của một người con gái hình như hội tụ hết ở chị. Còn tôi thì ngược lại. Tôi nghe người ta khen ngợi, nâng niu chị nhức cả tai rồi, nhưng nói thật, tôi cũng chả quan tâm. Tôi không thích học thì đã sao, học thì có gì vui. Không học đại học cũng chả chết đói. Khu công nghiệp ở quê tôi đang phát triển, họ thiếu thợ làm, mở rộng cửa đón chào công nhân ấy chứ. Chế độ đãi ngộ ổn. Tôi cóc lo.
Mùa này mưa lẹp nhẹp, nhầy nhụa từ ngoài ngõ đến trong nhà. Bình thường đã thấy ngột ngạt, trời ẩm ướt càng ngột ngạt hơn. Khí trời khó chịu, bí bách, chật hẹp như lòng người vậy. Chị Xiêm bảo tiếc khoảng trời trong lành ngày xưa. Lúc rảnh chị thường ngồi ở ngoài cửa ngắm con đường chạy qua trước nhà. Sau mấy năm xây sửa, đào bới liên tục, vùng quê nghèo thuở nào đã lột xác. Con đường nhựa rộng hoành tráng vắt ngang làng. Xe khách, xe con chạy rầm rầm. Hồi bé hai chị em tôi hay đuổi nhau trên con đường này, rồi chạy qua con sông bên kia đường tắm ngụp thỏa thuê. Cảm giác đằm mình dưới dòng sông mát mẻ, sảng khoái vô cùng.
Bây giờ, phụ huynh cấm tiệt không cho trẻ nhỏ rong chơi trên đường, tắm sông thì càng không. Ai cũng biết, dưới dòng nước tĩnh lặng ấy đầy bất trắc rình rập. Cá còn chết nổi lềnh phềnh, con người chả nhẽ thoát. Chị Xiêm thở dài. Chị bảo thi thoảng phải ngồi yên tĩnh, để cho những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu có cơ hội sống dậy. Chị sợ guồng quay của cuộc sống, sợ thời gian xóa nhòa đi hình ảnh cánh đồng xanh mênh mông bình yên ngày nào. Nơi ấy, đứa em gái nhỏ lũn cũn lúc nào cũng quấn riết chân chị. Chị không muốn quên, dù là chi tiết nhỏ. Bao nhiêu kỷ niệm êm ả cùng con đường cũ, làng quê xưa cũ. Tôi lẩm bẩm với mình rằng chị điên, cứ ra vẻ cụ non. Không dưng mà nhà cao tầng thi nhau mọc lên ở cái làng này được à. Có làm đường, lấp đất san phẳng cánh đồng, xây dựng khu công nghiệp thì mới bớt đói, trông vào mỗi ruộng đồng thì sẽ quay lại với nhà tranh lúp xúp, mái rạ xác xơ. Con người thật tham lam, được cái này phải mất cái kia chứ.
Bà nội tôi nằm liệt giường nhưng chuyện từ đầu làng cuối ngõ bà đều tỏ tường. Bà biết từ chuyện nhà bác Phi sắp phá vườn chuối đi, xây quán làm ăn lớn, đến chuyện chị Hiên nhà bác Hiền đi làm ở công ty B, cặp bồ với anh trưởng phòng tổ chức, khi anh chồng phát hiện ra mình bị cắm sừng, đã đuổi chị về nhà bố mẹ đẻ… Bà kể lại chi tiết như thể bà nhìn thấy sự việc. Tôi chạy lăng quăng suốt ngày đây mà tận khi bà nội kể cho tôi mới hay. Tôi phục bà nội khoản đó lắm. Chả trách, trong nhà đã cố giấu chuyện chị Xiêm đỗ hai trường đại học, nhưng bỏ không học, làm công nhân bên khu công nghiệp, vậy mà bà nội vẫn phát hiện ra. Bà đay nghiến mẹ tôi. Bà chì chiết từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối. Không hiểu vì sao bà nội tôi có thể nói nhiều thế.
Lâu lâu mới có người đến nhà chơi, ghé vào căn phòng xộc lên mùi ngai ngái của bà nội. Dù mẹ tôi, chị tôi đã cố gắng thường xuyên giặt giũ chăn chiếu cho bà và trong những ngày nghỉ, luôn mở rộng cánh cửa đón nắng vào khua khoắng căn phòng nhưng có lẽ, ngay cả mặt trời rực rỡ cũng không đánh bại được mùi người già nằm lê lết lâu năm. Căn phòng bà nội không chỉ u ám bởi mùi hôi mà còn u ám bởi tâm trạng không tốt của bà. Bà luôn cau có với mẹ. Nay biết chuyện chị Xiêm phải nghỉ học đi làm càng bức bối, khó chịu. Nỗi nhà này nọ được bà rót vào tai người ghé chơi.
Bà than vãn con trai mình hiền lành quá toàn nghe lời vợ, mọi sự trong nhà để vợ cầm trịch, còn bà thì nằm đó lực bất tòng tâm, thương cháu xót gan đứt ruột nhưng không nuôi được cháu ăn học nên nuốt nước mắt vào trong, đành lòng nhìn cháu gái vứt bỏ đi tương lai. Sau khi qua phòng bà nội chơi, ai ra về, ánh mắt nhìn mẹ tôi cũng có phần khang khác. Chị Xiêm vào buồng nắn bóp tay chân cho bà nội, thủ thỉ: “Con không muốn đi học đại học nữa, vì thấy mình đủ khả năng kiếm tiền rồi, tự con chọn con đường tương lai cho mình, không phải do mẹ ép con bỏ học đâu nội nha. Nội tin con đi, làm gì con cũng sẽ ổn thôi”. Chị Xiêm luôn làm tốt công tác hài hòa trong gia đình. Nhờ có chị làm sợi dây kết nối, bà nội và mẹ tôi cũng dịu hơn.
Chị Xiêm thủ thỉ thế với bà, còn với tôi thì cứng nhắc lắm, bắt ép tập trung học hành. Chị dọa tôi nếu mải mê xem điện thoại chị tịch thu luôn, cắt cả khoản tiền cho tôi ăn sáng. Thật vô lý. Tôi cũng có quyền lựa chọn con đường mình sẽ đi. Mọi người bảo chị hiền lành, sao tôi thấy chị ghê gớm. Tôi sợ chị Xiêm rúm ró chứ có sợ mẹ đâu. Mẹ chả nói tôi lấy chị Xiêm làm gương đấy thôi. Tôi không bao giờ dám cãi chị Xiêm, nhưng nghe những lời dọa nạt ấy tôi hậm hực lắm.
* * *
Thằng Diên rỉ tai tôi chị Xiêm có người yêu. Tôi há hốc mồm, không tin nổi tai mình. Đương nhiên trước sau gì thì chị tôi cũng có người yêu. Nhưng tin này đến đường đột quá khiến tôi bất ngờ. Tôi còn bất ngờ hơn khi Diên bảo họ yêu nhau cũng lâu lâu rồi. Người con trai chị Xiêm yêu là anh họ thằng Diên. Chị tôi giấu giếm giỏi thật, nhà tôi chẳng ai hay biết. Lần này thì tôi nắm thóp chị, hết đường lên mặt dạy đời, yêu từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường cơ. Tôi tủm tỉm đắc ý.
Tôi còn đang mừng thầm trong bụng thì thằng Diên lại bảo: “Chuyện chị Xiêm sẽ chẳng đi đến đâu, anh họ tôi đã gật đầu với bố mẹ sẽ chia tay chị ấy”. “Không đi đến đâu là thế nào?” – Tôi nhíu mày. “Thì anh họ tôi đang đại học, mà chị Xiêm thì…”. “Thì làm sao?”. Tôi quắc mắt lên nhìn Diên. “Chị tôi có phải không đỗ đại học đâu, không thèm học ấy chứ”. “Ừ, chị ấy hy sinh tương lai vì muốn đi làm nuôi bà, chuyện ấy ai cũng biết, nhưng nói gì thì nói, sau này anh họ tôi làm bác sĩ, chả nhẽ lại lấy chị công nhân, thế khập khiễng quá, bác tôi phản đối kịch liệt cũng có cái lý của bác”. Mặt đỏ gay gắt, tôi quát vào mặt thằng Diên bảo nó ăn nói lung tung rồi lên xe đạp huỳnh huỵch về.
Thế mà bao lâu chị chả thèm nói tôi nghe. Chị Xiêm. Tôi giận chị. Con đường về nhà sao mờ mịt, chông chênh. Tôi nghĩ suốt quãng đường về nhà. Tôi giận, rồi tôi thương. Chị của tôi sao phải dại dột, sao phải hy sinh, sao phải nhường nhịn tôi đến vậy. Ngực tôi đau nhói. Bố mẹ tôi làm việc chật vật mới đủ tiền cho chị em tôi ăn học, lúc bà nội nằm liệt giường phải thuốc thang thường xuyên, kinh tế gia đình càng thêm kiệt quệ. Nếu chị Xiêm đi học đại học sẽ phải lo thêm khoản lớn. Bố mẹ tôi bảo sẽ cố gắng. Nhưng chị Xiêm nhất quyết không đi học, chị kêu chưa cần học đại học, chị kiếm tiền trước, sau ổn sẽ tự lo cho mình được.
“Chị Xiêm đâu mẹ?”
“Chị ra bờ sông sao ấy con ạ? Vừa về nhà hỏi chị ngay là sao? Có chuyện gì hả con?”
“Không sao”.
Tôi trả lời mẹ cụt lủn rồi phi ra bờ sông. Băng qua con đường nhựa, tôi chợt gặp hình ảnh ấu thơ của tôi, tựa như tôi lũn cũn ngày nào đang chạy qua đây. Bên kia vẫn là bóng dáng chị Xiêm thân thương của tôi đứng đợi.
“Này, chị làm gì thế?” – Mắt tôi nhòe đi mà chẳng hiểu tại sao.
“Ơ, hôm nay sao em về
sớm vậy?”
“Chị đang rất buồn đúng không? Sao chị lại bỏ học vì em. Em nghe thằng Diên nó nói về chuyện của chị với người yêu rồi. Gia đình họ chê chị đúng không? Sao chị giấu cả nhà…” – Tôi nức nở, ấm ức. Như thể tôi chính là chị Xiêm.
Chị Xiêm mỉm cười điềm nhiên nhìn tôi. Chị không có vẻ gì đang buồn.
“Ừ, chị xin lỗi vì đã giấu em và bố mẹ. Chị và anh ấy cũng chưa có gì sâu sắc. Có trắc trở chút mới biết được lòng người, mới thấy tình yêu của người ta dành cho mình chưa đủ lớn để có thể cùng nhau vượt qua mọi con đường. Em đừng lo lắng về chuyện chị chưa học đại học nhé, chị đã viết giấy xin bảo lưu kết quả. Chị đi làm hỗ trợ bố mẹ một thời gian, rồi chị sẽ quay trở lại học tiếp em à. Chỉ có con đường học mới giúp chị em mình khá lên, không bị người khác coi thường. Kiếm được đồng tiền chả dễ dàng gì đâu. Em hiểu không?”
Chị Xiêm của tôi sao già quá đỗi. Bất giác tôi ôm choàng lấy chị. Tôi mãi là đứa trẻ trước chị. Tôi thèm cảm giác khi tôi cần bảo bọc, yêu thương thì níu ngay chân chị, ôm bờ vai chị không ngại ngùng. Giá mà chúng tôi có thể sống mãi như thời thơ ấu...
Qua những lời từ gan ruột chị, tôi biết, cuộc sống này chẳng dễ dàng gì, đầy gian nan, thử thách đang chờ đợi chị em tôi phía trước. Nhưng tôi cũng biết, khi chúng tôi cùng nhau, chúng tôi sẽ chẳng sợ điều gì. Chị em tôi đã ngồi bên nhau thật lâu để cảm nhận sự bình yên của lòng mình giữa nhộn nhịp của cuộc đời cho đến khi bên tai văng vẳng tiếng mẹ gọi về ăn cơm…
Ý kiến bạn đọc (0)