Bệnh tâm thần có xu hướng gia tăng ở người trẻ
Trong đó có từ 20-30% người mắc tâm thần nặng như: Tâm thần phân liệt; rối loạn hành vi; động kinh; trầm cảm; thiểu năng trí tuệ. Bệnh lý có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới.
![]() |
Điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. |
Đáng lo ngại, hiện số người được chẩn đoán và tự biết mình có bệnh lý tâm thần chỉ chiếm khoảng 30%. Số còn lại không biết và chưa thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên chưa được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Qua tìm hiểu, mỗi ngày, Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang tiếp nhận từ 20-25 lượt người đến khám, chữa bệnh và có hơn 200 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Nhiều trường hợp mỗi năm phải nhập viện từ 2-3 đợt, khi sức khỏe ổn hơn mới về điều trị tại nhà.
Các bác sĩ cho biết, gần đây, số trường hợp mắc bệnh tăng hơn ở thể trầm cảm do áp lực cuộc sống và loạn thần, ảo giác do tiền sử lạm dụng rượu, bia, chất kích thích, gây nghiện, chơi trò chơi điện tử. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 180 lượt người khám, điều trị chứng trầm cảm.
Ví dụ như chị N.T.T (SN 1995), phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) bị trầm cảm sau sinh. Được biết, công việc của chị T chưa ổn định, cuộc sống bấp bênh. Khi làm mẹ, vất vả hơn, chị thường xuyên mất ngủ, tâm trạng buồn lo, bất an kéo dài. Người thân đưa đi khám, bác sĩ chỉ định theo dõi, điều trị hướng tâm thần.
Thực tế, nhiều bệnh nhân có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc trở bệnh (lên cơn) hoặc bị tác động mạnh sẽ khó kiểm soát được hành vi, thường tăng động bột phát đập phá, gào thét gây nguy hiểm cho người khác.
![]() |
Người tâm thần trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Giang).
|
Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Xuân Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang cho biết: Rối loạn tâm thần dù nặng hay nhẹ đều làm giảm chất lượng cuộc sống, dễ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Được biết, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đang nuôi dưỡng 60 người tâm thần. Theo đánh giá của Sở Y tế, 70- 80% người bệnh tâm thần, động kinh ổn định, tái hòa nhập, phục hồi chức năng tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp lang thang ngoài cộng đồng do quên đường về, không nơi nương tựa, vô thừa nhận gây ra vụ việc khiến người dân hoang mang, lo lắng. Thậm chí, do bệnh diễn tiến bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người thân sống cùng. Trong khi nhiều cơ sở y tế thiếu bác sĩ, điều dưỡng về lĩnh vực phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần.
Đối với gia đình có người mắc bệnh, ngoài việc chăm sóc, cho uống thuốc đúng liều, đúng giờ, cần quản lý chặt các dụng cụ có khả năng gây sát thương, kịp thời phát hiện và đưa đi điều trị khi người bệnh có biểu hiện bất thường. Không kỳ thị, trêu chọc tránh để người bệnh bị kích động dẫn đến hành động nguy hiểm.
Nếu thấy người thân xuất hiện những triệu chứng mất ngủ kéo dài, hoang tưởng, đau đầu, cảm giác bất an, lo lắng cần đưa đến các bệnh viện để khám, điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng, để lại hậu quả xấu.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)