Báo chí Pháp tiếp tục ca ngợi thành công của Việt Nam chống dịch Covid-19
Trong bài viết "Covid-19: Phép màu ở Việt Nam?" đăng trên tờ Liberation (Giải phóng) ngày 23/4, nhà nghiên cứu Gilles Fumey về lĩnh vực địa lý và văn hóa nhận định, Việt Nam đã vượt qua đại dịch và không có trường hợp tử vong. Đây là một kỷ lục vô cùng đặc biệt trên thế giới, đã được Đại học John Hopkins (Mỹ) ghi nhận là đáng tin cậy. Từ tính huống "rất rủi ro", Việt Nam đã chống dịch quyết liệt, hiệu quả để có thể vượt sang giai đoạn "rủi ro" và tới nay đã chấm dứt tình trạng giãn cách xã hội.
![]() |
Bài viết về Việt Nam đăng trên tờ Liberation. |
Theo tác giả bài báo, thế giới cần ghi nhận và ca ngợi Nhà nước Việt Nam trong việc ứng phó, kiểm soát khủng hoảng dịch bệnh. Do điều kiện hạn chế về phương tiện tài chính, Việt Nam đã chọn phương án phát hiện và cách ly kịp thời, triệt để tất cả những người nhiễm và tiếp xúc, kể cả người dân và người nước ngoài. Khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành, chính quyền các cấp giám sát sát sao việc thực hiện cùng với sự tham gia của báo chí để bảo đảm việc tuân thủ triệt để.
Tác giả dẫn lời nhà địa lý Michaël Bruckert, có mặt ở Việt Nam, nói rằng "đó là một cách chống dịch rất linh hoạt với sự tham gia của chính quyền từ cấp trung ương tới địa phương và sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy các cấp". Thông tin về dịch bệnh được thông báo liên tục tới tất cả người dân để nắm bắt và tham gia.
Ngay từ giữa tháng 1, hàng loạt biện pháp đã được triển khai khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ nước bên cạnh, Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên. Khi phát hiện ca nhiễm, chính quyền Việt Nam triển khai ngay các biện pháp cách ly triệt để ở từng khu vực, ở làng, ở khu phố. Do có kinh nghiệm từ đợt chống dịch SARS trước đây, người dân nhanh chóng thực hiện việc đeo khẩu trang đề phòng nguy cơ lây nhiễm.
Các biện pháp cách ly triệt để đã ngăn chặn được làn sóng lây lan, liên tục có người được chữa khỏi và xuất viện. Du khách nước ngoài cũng được chăm sóc và khẳng định là họ được đối xử tốt trong thời gian cách ly hay chữa bệnh. Theo ông Michaël Bruckert, biện pháp cách ly triệt để của chính quyền là phương pháp phòng ngừa rất hiệu quả vì tránh được nguy cơ xuất hiện ồ ạt các bệnh nhân, có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Do đó, chính quyền ở Việt Nam đã triển khai các phương án phòng ngừa từ rất sớm, mang lại thành công trong việc khống chế dịch bệnh.
![]() |
Bài viết của tờ Ouest-France về công tác chống dịch ở Việt Nam. |
Ngày 22/4, tờ Ouest-France đăng bài viết "Không có trường hợp tử vong do virus corona: làm thể nào để giải thích bí quyết Việt Nam?", đề cập đến ba nguyên nhân: chiến lược chống dịch quyết liệt, nhanh; dập dịch có mục tiêu và khả năng tăng cường biện pháp bất cứ lúc nào.
Nhà báo Pierre Le Bris nhận định rằng, Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ trên thế giới vì giáp biên giới với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên, và chỉ có hơn 260 trường hợp mắc Covid-19 và không có ca tử vong nào. Không có gì lạ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1, bị nhiễm từ Trung Quốc. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là ba tháng sau, số người mắc chỉ dừng lại con số 268.
Tác giả dẫn lời nhà dịch tễ học Arnaud Fontanet (Viện Pasteur), cho rằng, không có cơ sở nào để nghi ngờ về kết quả tốt như vậy vì Việt Nam đã thực hiện chiến lược "nắm đấm sắt" để dập dịch. Mọi người sẽ biết ngay nếu có hàng loạt người nhập viện cấp cứu. Chính phủ Việt Nam không che giấu tình hình. Các mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam nên thông tin được cập nhật ngay.
Vì vậy thành công của Việt Nam được giải thích qua "ba bí quyết" khi đối mặt dịch bệnh Covid-19. Thứ nhất, Việt Nam đánh dịch mạnh và nhanh, đóng cửa trường học ngay từ 20/1 và biên giới từ ngày 1/2. Tiếp đó là thành lập ủy ban chống dịch liên bộ với sự tham gia của các nhà khoa học. Các biện pháp cấm tụ tập và đóng cửa doanh nghiệp không thiết yếu cũng được thực hiện rất sớm. Khi chính quyền công bố các biện pháp chống dịch, người dân có ý thức tuân thủ rất cao.
Thứ hai là chiến lược tấn công dịch có mục tiêu. Các trường hợp nhiễm và tiếp xúc đều bị cách ly triệt để cho tới khi không còn nguy cơ lây lan. Trong số đó có trường hợp của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier, người đã nhập viện và chứng kiến cách chống dịch của Việt Nam khi chia sẻ trên trang Causeur ngày 15/4: "Tôi không có triệu chứng nào, không bị bệnh nhưng phải ở lại bệnh viện cho đến chừng nào trở nên âm tính. Nếu tôi ở lâu trong bệnh viện, không phải vì tôi, mà để khỏi lây nhiễm cho cộng đồng. Một bệnh nhân dương tính bị cho về nhà mà không có khẩu trang là điều không thể tưởng tượng được tại đây. Ở Việt Nam, việc bảo vệ tập thể được đặt cao hơn mọi thứ khác".
Cách ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của Việt Nam là không có trường hợp ngoại lệ đối với cả người dân và người nước ngoài. Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ mới để người dân cung cấp thông tin về sức khỏe nhằm sớm phát hiện ra nguy cơ nhiễm bệnh và cách ly kịp thời.
Thứ ba là Việt Nam Việt Nam đã có thể mở rộng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan khi cần thiết. Khi phát hiện ca nhiễm, các biện pháp cách ly được áp dụng ngay với khu vực có người mắc bệnh như ở Hà Nội. Tiếp đó là quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc từ ngày 1/4, cùng với quy định bắt buộc đeo khẩu trang hay cấm tụ tập. Hiện, Việt Nam đã có thể nới lỏng lệnh giãn cách xã hội.
Ngày 23/4, tuần báo Le Point cũng đăng bài viết "Việt Nam: Nới lỏng lệnh giãn cách xã hội ở nước không có trường hợp tử vong", nhận định rằng thành công đặc biệt của Việt Nam, có chưa đến 300 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong, là do Chính phủ thực hiện chính sách kiểm dịch và giám sát chặt chẽ những người bị bệnh hay tiếp xúc. Việt Nam đã nới lỏng lệnh giãn cách xã hội và rất tự hào về thành công trong việc khống chế dịch bệnh. Trong suốt một tuần qua, không có thêm ca nhiễm mới nào. Các chuyên gia quốc tế và cả đại diện của Tổ chức Y tế đã nhiều lần đánh giá cao tốc độ phản ứng của Chính phủ Việt Nam trong việc khống chế dịch bệnh.
Các biện pháp chống dịch quyết liệt và kịp thời của Việt Nam như đình chỉ các chuyến bay đến vùng có dịch, cho học sinh nghỉ học, cách ly toàn bộ những khu vực có người mắc bệnh, đã mang lại kết quả rất ấn tượng. Đó là lý do tại sao Việt Nam có thể khống chế được bệnh dịch và chỉ có rất ít người bị bệnh.
Trong các ý kiến phản hồi bài báo của Le Point, có người nhận xét rằng Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất tốt, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt ngay từ khi dịch mới xuất hiện. Do đó, bệnh dịch đã được kiểm soát thành công. Một độc giả, tên là Brillat Savarin, cho rằng Việt Nam không chỉ kiểm soát tốt bệnh dịch mà vẫn luôn bảo đảm an ninh. Nhớ lại thời gian ở Việt Nam, đi du lịch tới các vùng núi, Brillat Savarin thấy đất nước Việt Nam rất an toàn, đâu cũng có những nụ cười chào đón. Brillat Savarin khẳng định: Không cần phải nói, tôi sẽ trở lại.
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc (0)