Bài học đắt giá trong công tác quản lý đất đai
![]() |
Đường bê tông và cổng làng Mai Sơn, xã Cẩm Lý (Lục Nam) được xây dựng từ tiền giao thầu đất trái thẩm quyền. |
Cuối năm 2016, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử hai đối tượng ở xã Cẩm Lý (Lục Nam) liên quan tới việc giao đất trái thẩm quyền thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân.
Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh, từ năm 2007 đến 2009, thực hiện Nghị quyết Chi bộ, ý kiến thống nhất của người dân, Phạm Văn Triệu và Đào Đình Văn, nguyên là trưởng thôn Mai Sơn, xã Cẩm Lý qua các thời kỳ đã ký 5 hợp đồng giao thầu gần 170 ha đất nông nghiệp là đất công ích, đất do người dân khai hoang trên địa bàn cho một số cá nhân sản xuất gạch thủ công. Các hợp đồng thuê, khoán đều có thời hạn từ 15 đến 20 năm, tổng số tiền thu hơn 1 tỷ đồng nhưng không nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định mà sử dụng vào các hoạt động chi thường xuyên, làm đường bê tông, xây nhà văn hóa, cổng làng… Những hợp đồng trên đều được các ông Nguyễn Duy Khê và Phạm Bá Hà, nguyên Chủ tịch UBND xã Cẩm Lý thời điểm đó xác nhận, cho triển khai thực hiện.
Sau khi nhận khoán đất trái thẩm quyền, các cá nhân liên quan đã tự ý chuyển đổi, khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất gạch khiến nhiều thửa ruộng bị khoét sâu thành thùng, vũng gây bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Ngày 30-12-2016, những cá nhân trên đã bị TAND tỉnh xét xử và tuyên phạt từ 2 năm 6 tháng đến 7 năm tù về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, Bí thư Chi bộ thôn Mai Sơn và một cán bộ xã Cẩm Lý cũng bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì tham gia giúp sức cho các cá nhân trên.
Với nhiều người dân và lãnh đạo địa phương, vụ án là bài học đắt giá về quản lý đất công. Ông Đặng Văn Thự, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lý chia sẻ, trước đây việc quản lý đất công được giao toàn quyền cho ban lãnh đạo các thôn dẫn đến sai phạm. Thời điểm xảy ra vụ án trên, toàn xã có 8/18 thôn để xảy ra tình trạng giao thầu đất công trái thẩm quyền. Sau đó, UBND xã đã nghiêm túc kiểm điểm, rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời, thành lập các tổ công tác kiểm tra, hủy bỏ, thu hồi diện tích đất công bị giao thầu trái quy định để các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ, Người cao tuổi… quản lý, canh tác lấy quỹ hoạt động. Nhờ đó, đất công đã được quản lý tốt hơn, không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Gần đây nhất, TAND tỉnh đưa ra xét xử và tuyên phạt Trần Đắc Tỉnh (SN 1953), nguyên Trưởng thôn Nam, xã Đồng Việt (Yên Dũng) 10 năm tù về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Theo đó, từ năm 2002 - 2014, vị trưởng thôn này đã tự ý phân lô gần 20 nghìn m2 đất công ích, giao cho các hộ làm đất ở lâu dài, thu hơn 800 triệu đồng sử dụng xây dựng các công trình phúc lợi và chi phí các công việc của thôn.
Thống kê cho thấy những năm gần đây, TAND tỉnh và các huyện, TP đã đưa ra xét xử, tuyên phạt nhiều bản án liên quan đến hành vi giao thầu đất công trái quy định. Để xảy ra những vụ việc này là do việc buông lỏng quản lý đất đai của chính quyền cơ sở. Ông Thân Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh thông tin, hằng năm đơn vị đều tiếp nhận, đưa ra xét xử 3-4 vụ án liên quan đến quản lý đất đai. Điểm chung của những vụ án này là các đối tượng tự ý bán đất, không chấp hành quy định về quản lý đất đai, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND các huyện, xã cần tăng cường quản lý đất đai; phát hiện sớm và xử lý nghiêm các sai phạm.
Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)