Bắc Giang ghi dấu trên “bản đồ” logistics quy mô lớn
BẮC GIANG - Nắm bắt xu hướng mới và khai thác vị trí địa lý chiến lược của tỉnh, Bắc Giang đã quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ logistics. Sau quá trình nỗ lực của tỉnh cùng các chủ đầu tư, đến nay Bắc Giang đã có trung tâm logistics hiện đại, ghi tên trên “bản đồ” logistics cả nước.
Nhiều dịch vụ, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Sau gần một tháng đi vào hoạt động, dự án Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang do Công ty trách nhiệm hữu hạn Logistic Bắc Giang làm chủ đầu tư đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay, các kho chứa hàng đã được vận hành đạt công suất lớn. Theo đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, dự án được một số tập đoàn nước ngoài thuê làm điểm trung chuyển hàng hóa, các dịch vụ về thủ tục xuất, nhập khẩu cũng được thực hiện nhanh gọn, hỗ trợ nhà đầu tư. Bước đầu, dự án đã được vận hành ổn định, bài bản, mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp như: Được cung cấp hạ tầng kho bãi toàn diện với các giải pháp logistic tối ưu, giảm thời gian thông quan, hỗ trợ tối đa các hoạt động xuất nhập khẩu, tiết kiệm chi phí.
![]() |
Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang. |
Được biết, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang có diện tích 67 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 4.200 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: Hệ thống kho bãi đa chức năng, kho kiểm soát hải quan, kho phi thuế quan, kho thương mại điện tử, kho tự động hóa… kết hợp với hệ thống giải pháp logistics toàn trình.
Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đi vào hoạt động mang ý nghĩa chiến lược, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc phát triển hạ tầng logistics hiện đại, thúc đẩy thương mại, công nghiệp và hội nhập quốc tế. Dự án hoàn thành, đi vào hoạt động đã ghi tên Bắc Giang trên “bản đồ” hệ thống các trung tâm logistics quy mô lớn, hạ tầng hiện đại tại khu vực miền Bắc; đánh thức tiềm năng của Bắc Giang về phát triển ngành dịch vụ được coi là“mạch máu” của nền kinh tế; mở ra động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bắc Giang có vị trí chiến lược tại vùng Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm, nằm trên trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường sắt liên vận quốc tế, gần các cửa khẩu lớn, các cảng biển chính.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói: “Sự ra đời của Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang là một bước đi rất kịp thời để góp phần tạo nên sự đồng bộ và đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics của tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng Trung tâm và các doanh nghiệp logistics hoạt động tại Trung tâm sẽ đi tiên phong hưởng ứng xu hướng logistics xanh như: Sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và ứng dụng công nghệ tiết kiệm tài nguyên. Đây không chỉ là sự chung tay với Chính phủ để tiến đến mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường mà còn là lợi thế cạnh tranh trên thị trường dịch vụ logistics”.
Ưu tiên thu hút đầu tư, nâng chất lượng nhân lực
Nghị quyết số 147-NQ/TU ngày 15/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2030 với quan điểm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp”.
![]() |
Phương tiện vận chuyển sẵn sàng phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ logistics. |
Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới, tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch 29 khu công nghiệp với diện tích 7.000 ha. Quy hoạch 63 cụm công nghiệp với diện tích 3.000 ha. Hiện nay, Bắc Giang hình thành 17 khu công nghiệp. Tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút đầu tư, từ đó tạo thuận lợi cho ngành logistics phát triển.
Bắc Giang đang tập trung phát triển các dịch vụ logistics trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các dịch vụ vận tải đa phương thức, kho bãi, đóng gói, phân phối hàng hóa đang được nâng cấp theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để tối ưu hóa quy trình hoạt động. Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực logistics, tỉnh đã quy hoạch và chuẩn bị phát triển thêm các trung tâm logistics mới với quy mô lớn, hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm trung chuyển quan trọng của vùng Bắc Bộ.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang phấn đấu phát triển 8 trung tâm tổng hợp logistics với tổng diện tích gần 500 ha, 3 cảng cạn (ICD), 33 cảng thủy nội địa. |
Những trung tâm này không chỉ hỗ trợ lưu thông hàng hóa trong nước mà còn kết nối với các thị trường quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện. Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang phấn đấu phát triển 8 trung tâm tổng hợp logistics với tổng diện tích gần 500 ha, 3 cảng cạn (ICD), 33 cảng thủy nội địa. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển một số ngành dịch vụ trọng tâm, giai đoạn 2024-2030, trong đó xác định logistics là một trong những ngành dịch vụ mũi nhọn.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, để tiếp tục phát triển dịch vụ logistics, về công tác quản lý nhà nước cần triển khai Quy hoạch bảo đảm đồng bộ giữa các lĩnh vực; lựa chọn phát triển đột phá một số dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, thương mại của vùng; phát triển cả dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và dịch vụ công. Trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics; hỗ trợ các doanh nghiệp logistics trong tỉnh phát triển và liên kết với các doanh nghiệp sản xuất; chủ động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Thành lập các trung tâm logistics tại các khu, cụm công nghiệp gắn với cảng ICD để cung cấp chuỗi dịch vụ hậu cần, đặc biệt là phục vụ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất nhập khẩu. Thu hút đầu tư vào một số khu vực phát triển dịch vụ tổng hợp, logistics, cảng cạn ICD giai đoạn 2021-2030. “Đội ngũ vận hành dịch vụ logistics rất quan trọng, do vậy cần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về logistics, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics cần nâng cao quy trình, công nghệ, nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực logistics; chủ động tìm kiếm, liên kết với các công ty đa quốc gia có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics” - ông La Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc (0)