Bắc Giang: Cứu sống mẹ con thai phụ bị nhau tiền đạo hiếm gặp đe dọa tính mạng
Sản phụ là Giang Thị Minh Tâm, 33 tuổi ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) mang thai 38 tuần, nhập viện ngày 22-9. Qua khám, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị nhau tiền đạo trung tâm bám xuống dưới, che lấp cổ tử cung và nhau cài răng lược tại vị trí vết mổ cũ xuyên bàng quang gây nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi, được chỉ định mổ cấp cứu.
![]() |
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang thăm bệnh nhân vừa được mổ cấp cứu lấy thai do bị nhau tiền đạo hiếm gặp. Ảnh của Hiền Chúc, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang. |
Qua hội chẩn đánh giá đây là ca bệnh khó, bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện cùng kíp phẫu thuật đã trực tiếp mổ lấy thai đồng thời cắt tử cung bán phần thấp cho sản phụ để hạn chế chảy máu, bảo toàn tính mạng. Trước đó, sản phụ Tâm từng mổ lấy thai hai lần. Sau 3 giờ, ca mổ đã cứu sống mẹ và bé gái nặng 2,6 kg khoẻ mạnh chào đời trong niềm vui của các bác sĩ và gia đình bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu, 4 đơn vị huyết tương. Hiện sức khỏe của 2 mẹ con ổn định, sản phụ phục hồi nhanh và đang được theo dõi, điều trị sau sinh tại Bệnh viện.
Nhau tiền đạo là hiện tượng nhau thai bám một phần hoặc toàn bộ ở đoạn dưới tử cung và gây chảy máu vào 3 tháng cuối của thai kỳ cũng như trong chuyển dạ và sau khi sinh, đe dọa đến tính mạng sản phụ. Thai nhi dễ lưu, sinh non và trẻ sinh ra bị thiếu máu. Tình trạng mắc nhau tiền đạo có liên quan mật thiết với phẫu thuật tử cung hoặc sinh mổ trước đó.
Quá trình chẩn đoán nhau tiền đạo nếu không xem xét, đánh giá kỹ dễ bỏ sót nhau cài răng lược. Nếu từng sinh mổ, bị nhau tiền đạo, khả năng bị nhau cài răng lược sẽ tăng lên 25%. Bên cạnh đó, các yếu tố như: Nạo hút thai, mang bầu ở độ tuổi ngoài 35, thói quen hút thuốc lá, mắc u xơ tử cung cũng làm tăng khả năng bị nhau cài răng lược.
Các ca bệnh thường được chỉ định cắt bỏ tử cung hoặc một phần tử cung; thậm chí đôi khi phải cắt bỏ một phần bàng quang hay trực tràng thì mới cầm máu, gây tổn thương hệ niệu.
Bác sĩ sản khoa khuyến cáo, thai phụ cần đi khám thai sớm, nhất là trong 6 tuần đầu thai kỳ, đặc biệt là những phụ nữ từng có vết mổ đẻ để bác sĩ chẩn đoán vị trí làm tổ của thai nhi. Nếu thai làm tổ ở nơi bất thường (vùng gần eo tử cung, gần vết mổ cũ) thì nên đình chỉ thai để hạn chế bị nhau tiền đạo.
Sản phụ cũng nên đi khám thai định kỳ, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ tại các cơ sở y tế có đầy đủ nhân lực, trang thiết bị sản khoa hiện đại phát hiện sớm rau tiền đạo, rau cài răng lược để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tai biến trong quá trình sinh sản.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)