Bà lão nhà quê
- Huệ, ai gọi đấy?
- Dạ, bác Thành.
- Việc gì?
- Bác ấy giục bà vào.
- Lại chuyện đó.
Suốt mấy ngày nay Thành con trai bà cứ nhắc bà vào Huế. Khổ, không đi thì tiếc mà đi thì trăm thứ phải nghĩ. Nó cứ tưởng nhấc chân ra khỏi nhà là dễ lắm đấy. Ừ trong ấy có nhiều cảnh đẹp, di tích. Nó bảo vậy. Huế lắm chùa tháp từ thời vua chúa mấy trăm năm. Mẹ mà vào sẽ không muốn ra. Không ở lâu được thì cũng phải ở dăm bảy ngày. Nó sẽ đưa ô tô đưa mẹ đi chơi thỏa thích.
![]() |
Minh họa: Đinh Hương |
Mẹ đã bảy lăm bảy sáu tuổi rồi, giờ còn khỏe chứ nay mai ốm yếu có muốn đi cũng chả được. Ừ, bà biết vậy nhưng còn nhà cửa, con gà con qué, vườn rau mơn mởn, nhất là đứa cháu ngoại đang học – đứa cháu ở với bà từ lúc mới chập chững biết đi. Bà đi đã có người lo chu đáo từ vé xe đến đưa đón. Bà không thích đi một mình thì rủ mấy bà trong xóm. Họ cũng háo hức vào Huế chỉ tội không đủ tiền. Bà cáng cho họ mọi thứ chỉ cần ới một tiếng là đủ người.
Thành là con trai thứ trong nhà, ở Huế. Công - anh cả làm ở Hà Nội, vợ con đều ở đó. Trong năm vào ngày giỗ bố, anh em Công đều đưa vợ con về. Riêng Công vì gần hay về thăm mẹ hơn Thành. Khổ nhất, cái số chẳng ra gì là Oanh con gái út. Cô lấy chồng, một gã đẹp trai mồm mép, sinh đứa con gái rồi mắc bệnh nặng mất. Chồng có tính trăng hoa hết cô này đến cô khác, vợ mất hơn năm đã kéo nhân tình nhân ngãi vào Nam chả đoái hoài gì đến con.
Bà đi chả lo gì tiền. Tháng nào con trai lớn, con trai bé đều đặn gửi tiền cho bà đến nỗi gàn cũng không được. Chỉ có hai bà cháu mà số tiền nhận hằng tháng đều gấp đôi gấp ba lương cán bộ về hưu. Ở nhà quê tiêu pha có tốn kém gì. Rau có sẵn, gà vịt đầy chuồng.
Hai bà cháu ngày hơn bơ gạo. Mua dăm lạng thịt, mấy bìa đậu mà ăn không hết. Bà dành dụm tiền cũng chỉ là lo cho cháu. Nào tiền ăn học, quần áo rồi tiền nọ tiền kia ở trường. Giờ đã vậy lại còn nay mai học tới đại học đằng đẵng mấy năm trời. Bác nó lo nhưng chả gì bằng bà lo.
Công nhiều lần năn nỉ bảo mẹ và cháu ra thủ đô ở với mình. Nhưng bà chối, không phải chê nhà cửa ngoài ấy chật chội mà vì ở quê còn chăm sóc mồ mả ông bà, thờ cúng chồng. “Quê không có người trông nom mồ mả ông bà, tổ tiên thì còn ra thứ gì. Mà bố mày ở nhà quê quen rồi, còn đi về sớm tối, chứ ở Hà Nội ông biết thế nào mà lần”.
Bà The quả là vất vả. Chồng xuất ngũ rồi mấy năm sau mất do tái phát vết thương chiến tranh. Ông ra chiến trường để lại cho bà hai đứa con thơ dại. Bà nai lưng sớm tối việc nhà, việc hợp tác. Rảnh lúc nào lại mò cua, bắt cá, đi bán từng mớ rau, nhặt nhạnh từng xu từng đồng, nuôi con ăn học. Chồng về cũng chẳng đỡ đần là bao vì nay ốm mai ốm, hết bệnh nọ đến tật kia. |
Công bảo, mẹ lẩm cẩm. Người chết còn biết đi đứng thế nào mà quen với lạ. Thờ cúng ở đâu chả được. Bà gắt, mày không được bổ báng như thế. Trần sao, âm vậy. Người sống thế nào thì người chết cũng thế, chỉ tội không nói được thôi. Bố mày mà nghe thế thì được mấy cái roi vào đít. Công nhe răng cười. Thành cũng tha thiết mời mẹ và cháu vào ở Huế. Anh xây căn nhà vườn, vợ chồng lại xây thêm nhà cao tầng cạnh bên.
Thành là lính hải quân, xuất ngũ, học cao đẳng tại Huế. Ba mươi tuổi mới lấy vợ ở đó chứ không chịu lấy vợ ở quê. Vợ đẹp gái, mảnh mai, ăn nói dịu dàng, lễ phép chỉ tội hay ốm vặt. Thành làm một công ty gì đó liên doanh với nước ngoài.
Thâm tâm bà lo nhất cho đứa cháu ngoại. Bé thì lo đằng bé, lúc khỏe đã chớ, lại còn lúc ốm đau. Lớn thì lo đằng lớn. Thương cháu đứt ruột. Nó chẳng có cha, chẳng còn mẹ. Bà thương quý nó đến mấy cũng không thể bằng nếu nó còn cha còn mẹ. Khi cháu vào tuổi thiếu nữ, dậy thì, bà càng nóng ruột nóng gan, lắm đêm trằn trọc không sao ngủ được.
Ở đâu không biết, chứ quanh làng này con trai khối đứa nghiện hút, con gái mười bốn, mười lăm tuổi đầu đã má phấn môi son, hẹn hò đú đởn, có đứa đã chửa hoang. Cháu bà ngoan, học giỏi, chăm việc nhà nhưng nay biết nay chứ biết mai thế nào, chả ai nắm tay từ sáng đến tối. Thói đời cái tốt khó học mà cái xấu dễ theo.
- Lần này bà đi chứ? Cháu sẽ đi với bà.
- Sao cháu bảo phải thi gì cơ mà?
- Thi chuyển cấp xong, cháu đưa bà đi.
Bà thở dài:
- Lại còn đàn gà, đàn vịt, vườn rau.
Huệ quàng lưng bà, kêu toáng lên:
- Bà ơi bà ởi, bà cứ lo như thế thì lo suốt đời. Đi nửa tháng gà, vịt cũng không chết, vườn rau cũng không tàn. Hay là bà bảo ai đấy trông nhà cho, lo cả vườn rau với gà, vịt.
- Để bà nghĩ đã.
Huệ phụng phịu:
- Bao lần bà toàn bảo thế.
- Ừ, để bà nghĩ đã.
Có tiếng xoe xóe ở phía cổng cùng bước chân thình thịch. Bà The biết ai đã đến.
- Bà lão có nhà không?
- Có, mời bà vào.
Bà Vi ở trong xóm ra. Người to cái tiếng cũng to. Ai chả biết chứ bà Vi đúng là như vậy. Người béo như cối xay lúa mà tiếng như loa đã thế chưa thấy người đã thấy tiếng. Hơn bà The hai tuổi nhưng bà Vi trông trẻ, da dẻ hồng hào, ít nhăn. Người sướng cũng khác. Có hai con trai nhưng cả hai đều thành đạt, lương bổng nhiều, nhà cửa bề thế nhất xã.
Con gái cũng vậy. Ông chồng một thời cũng quyền cao chức trọng ở huyện. Bà The với bà Vi là bạn thân thiết, cả hai đều ở đội dân quân xã thời chống Mỹ làm đủ việc từ đắp ụ pháo đến tiếp đạn, tải thương.
- Lại bổ cau, tích trữ hả?
- Thì rỗi rãi biết làm gì.
Người làng bảo, bà The thuộc loại người cổ lỗ, đúng là bà già thuở xưa. Ai đời ở thế kỷ này vẫn ăn trầu, răng đen nhánh. Giá bà mặc váy đen thì không khác gì các bà thời chống Pháp, y như mẹ chồng bà. Thực ra lúc thanh niên bà có thế đâu, răng trắng bóng, xinh nhất làng. Từ ngày chồng mất, bà cứ nghĩ lẩn mẩn, lắm đêm chẳng ngủ được, chả biết làm gì, ngồi ăn trầu.
Đi đám hiếu, đám hỉ thấy mấy bà ăn trầu, bà cũng ăn đôi miếng, mãi thành quen lại giống y như mẹ chồng thuở trước. Đã ăn trầu, răng nhôm nhoam vàng, trông gớm giếc. Vậy bắt chước mấy cụ bà trong làng lại kiếm thuốc nhuộm đen. Các cụ ấy đã mất, thành thử bà The là người duy nhất ở làng còn ăn trầu và có hàm răng đen như thế.
- Thằng con tôi vừa bảo, mẹ có lên Sa Pa không, thứ hai tới khởi hành. Nó họp hành gì đấy ba, bốn ngày. Ô tô nó bảy chỗ ngồi. Nó nói, mẹ rủ ai đó đi cùng. Bà đi với tôi nhé?
- Chả đi được đâu bà ạ.
- Sao? Lại lo con gà, con vịt, vườn rau chứ gì?
- Cũng không phải, nhưng mà…
- Nhưng nhiếc cái gì? Người đâu cứ ru rú ở nhà, cấm ra khỏi làng. Tôi đã bị chúng nó chê bà già nhà quê còn bà thì đúng là nhà quê một cục.
Bà The cười, khẽ khàng:
- Thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi vướng víu đủ thứ.
- Đi với tôi, bà không phải lo cái gì cả. Chỉ việc đi chơi và đánh chén. Con trai tôi lo tất.
- Vâng, tôi biết, nhưng mà…
- Lại nhưng mà. Tôi chán với bà.
Phải, bà The chả muốn đi dù chỉ vài ba hôm. Bà đi, nhỡ cái Huệ ở nhà xảy ra việc gì thì bà còn mặt mũi nào với các con, nhất là mẹ nó ở suối vàng. Con bé lớn mà không khôn. Cái tuổi chẳng ra trẻ con mà cũng chẳng ra người lớn: Nhỡ nó bị người ta dụ dỗ đi chỗ này chỗ nọ.
Nhỡ nó lại vào quán xá theo bạn bè xấu. Nhỡ nó tụ tập bạn bè ở nhà chơi bời. Bà cứ tưởng tượng bao nhiêu cái hư hỏng đang rình rập cháu mình. Bà chỉ mong nó trưởng thành, có chồng con thì mới hết lo. Thôi thì còn sống ngày nào thì phải lo cho cháu.
- Nhưng mà cái gì?- bà Vi xẵng giọng – Lại lo cái Huệ hở? Giời đất ơi, nó còn lên ba, lên bảy gì, đã mười lăm mười sáu tuổi đầu rồi. Bà còn nhớ câu ca ngày xưa mà tôi với bà đều thuộc không, lấy chồng từ thuở mười lăm/ chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi…
Bà The lừ mắt, xua xua tay, có ý ngăn bà không nói nữa sợ cái Huệ nghe thấy.
Bà Vị cười ngất.
- Hay là thế này, bà cho cả cái Huệ đi. Xe rộng lắm, bảy chỗ ngồi cơ mà. Thằng con tôi bảo, thêm ba người nữa cũng được.
- Ấy chết, cháu nó còn phải ôn thi.
- Bà cũng quá vất vả, hết lo con lại lo cho cháu. Giá mà…
Bà Vi định nói tiếp nhưng đã ghìm lại. Ý bà muốn nhắc, giá mà ông bà nội cái Huệ nhận nuôi cháu thì bà The an tâm, hưởng phúc già.
*
* *
“Bà ơi, cháu muốn đi Huế lần này. Đi, bà nhé?” Cái giọng thủ thỉ của Huệ từ hôm qua cứ làm cho bà nghĩ ngợi mãi. Bà cũng muốn đi lắm khi cháu bà đã thi xong nhưng cứ vẩn vơ lo cái điều canh cánh trong lòng. Ấy là sợ mất con gà, con vịt, sợ hỏng vườn rau. Đành rằng bà với cái Huệ đi sẽ gọi thằng cháu Lực con ông bác nhà chồng đang học cấp ba, giờ nghỉ hè trông nhà mấy hôm. Thằng Lực gan cóc tía nhưng ham chơi, ngại nhất là nó rủ bạn bè đến nghịch ngợm hoặc cờ bạc. Nó chắc gì đã cho gà, vịt ăn và chăm rau.
Con trai hay đoảng tính lắm. Ừ thì gà, vịt không ăn dăm bảy hôm cũng chả sao nhưng vườn rau chả trông nom thì lũ gà sẽ làm nát hết. Lại lo trộm. Làng này đã xảy ra mấy vụ trộm, toàn là đứa nghiện hút bên ngoài vào. Bọn nghiện hút thì chẳng từ thứ gì không lấy. Đấy, bà Chắc mất béng cái cuốc chim. Ông Du có khung xe đạp cũ treo trong nhà ngang cũng biến mất. Bà không lo mất của cải, tiền nong gì. Có bao nhiêu tiền dư, bà bảo cháu gửi tiết kiệm hết, chỉ giữ lại tiền tiêu pha hàng ngày…
“Không được đi Sa Pa với bà Vi tiếc quá bà nhỉ?” “Cháu phải ôn thi, đi sao được”. “Thế cháu mới tiếc. Bà không đi có tiếc không?” Bà chỉ cười. “Thế sắp tới có vào Huế không? Bà lại bảo để suy nghĩ đã.”
Bà thở dài. Lúc nhỏ, Huệ cũng muốn đi theo bác Thành vào Huế chơi nhưng còn phải học. Mà nó lại giống mẹ là say ô tô. Hôm bà cháu đi ô tô khách ra Hà Nội, nó cứ nôn thốc nôn tháo trên xe, mặt xanh như tàu lá, bác Công pha sữa, mua phở mà nó cứ lắc đầu quầy quậy. Rồi năm nọ tiếp nối năm kia, bà cứ nấn ná, chần chừ nghĩ ngợi đủ thứ khiến bà cháu chưa được đặt chân tới Huế.
“Bà yên tâm. Lần này đi, cháu không say ô tô nữa. Cháu hỏi nhiều người rồi. Có thuốc uống chống say bà ạ. Cẩn thận mang theo mấy quả cam hoặc quýt. Vỏ quả ấy bóc ra áp vào mũi, vào mặt là vô tư luôn”.
“Cháu thuộc mấy bài thơ về Huế, cả bài hát nữa. Bà có nghe không?...”
Nghĩ mà thương cháu quá. Bà khẽ thở dài.
Bà The quả là vất vả. Chồng xuất ngũ rồi mấy năm sau mất do tái phát vết thương chiến tranh. Ông ra chiến trường để lại cho bà hai đứa con thơ dại. Bà nai lưng sớm tối việc nhà, việc hợp tác. Rảnh lúc nào lại mò cua, bắt cá, đi bán từng mớ rau, nhặt nhạnh từng xu từng đồng, nuôi con ăn học.
Chồng về cũng chẳng đỡ đần là bao vì nay ốm mai ốm, hết bệnh nọ đến tật kia. Cái Oanh từ bé cứ ốm quặt ốm quẹo, tưởng không nuôi được. Một mình bà dựng vợ gả chồng cho con. Việc lớn việc nhỏ đều trông vào tay bà.
Bà ngồi thừ trên bậc cửa.
Có tiếng chân chạy huỳnh huỵch ở cổng.
- Bà ơi, cháu có tin mừng. Cháu đỗ rồi. Điểm cháu cao, đứng thứ tám.
Bà ngẩng lên, nhỏ nhẹ:
- Con gái con đứa đi đứng phải nhẹ nhàng, cứ như con trai không bằng.
Huệ khúc khích cười.
- Cháu bước thật nhẹ đấy chứ, nếu không đã rung cả sân.
- Ra đây, bà bảo.
Bà kéo cháu vào lòng. Cái Huệ như cối xay lúa đặt giữa đôi chân bà. Người nó chắc nịch như cơm nắm. Bà ôm chặt cháu:
- Hồi nào mới chỉ cao bằng chiếc đũa, giờ đã bằng đòn gánh rồi. Rồi chả mấy chốc lại chồng con.
- Cháu cao bằng đòn gánh á, hơn bà ạ, bằng cái sào.
- Bằng cái sào thì chó nó lấy. À thôi, bà lẩn thẩn rồi.
- Đi Huế chứ bà?
- Ừ, để bà nghĩ đã.
- Bà lại nghĩ đã?
- Lần này bà cháu mình đi. Vài hôm nữa. Bà nghĩ là nghĩ sắp xếp nhà cửa mấy hôm.
Huệ ôm chặt bà:
- Bà tuyệt vời. Cháu thích quá. Bà ơi, cháu gọi điện cho bác Thành nhé.
Huệ nhổm dậy, chạy ào vào trong nhà. Bà ngồi một lúc rồi lặng lẽ bước theo.
Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc (0)